Theo báo cáo từ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Vĩnh Long (Trung tâm), gần 10 năm qua, thông qua chương trình khuyến công, địa phương đã tổ chức lớp đào tạo tiểu thủ công nghiệp, lớp may công nghiệp cho 32 học viên; 12 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 368 học viên. Tổ chức 19 khóa tập huấn/hội thảo về hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT).
Đặc biệt với nội dung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia địa phương đã tiển khai 14 đề án với kinh phí hỗ trợ là 3.900 triệu đồng, thu hút vốn đối ứng đầu tư 6.096 triệu đồng; từ nguồn khuyến công địa phương triển khai 85 đề án, kinh phí hỗ trợ 10.862 triệu đồng, thu hút hơn 11 tỷ đồng kinh phí đối ứng của cơ sở CNNT. Cùng đó, triển khai 3 đề án hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới với kinh phí 845 triệu đồng, thu hút vốn đối ứng đầu tư 4.9 tỷ đồng kinh phí đối ứng của cơ sở CNNT.
Ngoài ra, Vĩnh Long cũng triển khai nhiều nội dung khác như hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói với kinh phí là 476 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương cho 17 cơ sở; cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công…
Với những hoạt động đã được triển khai, theo đánh giá từ Trung tâm, hoạt động khuyến công giai đoạn năm 2014 - 2023 được thực hiện với nhiều nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ sở CNNT, đã huy động được nguồn lực các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ làng nghề phát triển, thu hút nhiều ngành nghề mới.
Chính sách hỗ trợ từ việc thực hiện các đề án khuyến công đã thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp CNNT, góp phần tăng trưởng về quy mô và giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp trong GDP, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Long.
Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng khuyến công vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác triển khai. Đa phần các đề án khuyến công có quy mô nhỏ, chưa có đề án thể hiện rõ nét tính liên kết vùng, khu vực hoặc chưa thể hiện được sự hỗ trợ thúc đẩy phát triển phẩm công nghiệp có thế mạnh của tỉnh.
Nhận thức về hoạt động khuyến công của một số cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nông thôn còn hạn chế, chưa quan tâm nhiều đến công tác khuyến công nên công tác triển khai các đề án đôi lúc còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra.
Kinh phí khuyến công được bố trí hàng năm chưa đáp ứng được nhu cầu của cơ sở, doanh nghiệp CNNT. Chưa có nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đáp ứng các yêu cầu để được hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia.
Về nguyên nhân, đại diện Trung tâm cho rằng do công tác tuyên truyền về nội dung, hoạt động khuyến công chưa sâu, rộng đến các cơ sở, doanh nghiệp CNNT. Thông tin về chính sách khuyến công chưa có sức hút đến doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp chưa nắm rõ các chính sách hỗ trợ của nhà nước về khuyến công.
Địa phương chưa triển khai hết các nội dung của Nghị định 45/2012/NĐ-CP; kinh phí bố trí cho hoạt động khuyến công địa phương còn hạn chế do tỉnh còn khó khăn về ngân sách.
Cùng đó, văn bản quy phạm pháp luật về sản xuất sạch hơn chưa đồng bộ, nên còn vướng trong công tác triển khai. Đồng thời chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho việc tự chủ kinh phí và áp lực xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công đối với lĩnh vực khuyến công.
Với những bất cập đã chỉ ra, với vai trò là đơn vị trực tiếp triển khai công tác khuyến công Trung tâm nỗ lực bám sát nhằm hỗ trợ gỡ khó, đồng hành và khuyến khích cơ sở CNNT tham gia và thụ hưởng chính sách khuyến công. Đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về các giải pháp, bao gồm cả cơ chế chính sách nhằm nâng cao sức hút và hiệu quả công tác khuyến công.
TQL