Nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại Khánh Hòa (Trung tâm) đã dành nhiều tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật (TDKT), góp phần rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất, tăng doanh thu, giải quyết việc làm cho lao động.

Điển hình là cuối năm vừa qua, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia Trung tâm đã hỗ trợ 400 triệu đồng cho Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng thực hiện mô hình trình diễn chế biến dăm gỗ. Theo đó, để nâng cao chất lượng chế biến dăm gỗ, Công ty TNHH Chế biến dăm gỗ Đại Hưng đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua sắm dây chuyền máy móc chế biến dăm gỗ hiện đại có công suất 40.000 tấn sản phẩm/năm với nguồn nguyên liệu chính là gỗ keo, bạch đàn là những sản phẩm sẵn có tại địa phương.

Được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công quốc gia Công ty đã trang bị hệ thống thiết bị sản xuất dăm gỗ như: Máy băm, máy sàn quay, băng tải… nhờ đó, việc sản xuất của Công ty thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện nay, với dây chuyền sản xuất hiện đại, Công ty đảm bảo chất lượng dăm gỗ luôn ở mức cao nhất, sản lượng và năng suất đạt mức tối đa. Đặc biệt, việc đưa vào sử dụng băng tải xoay chuyển dăm ra bãi, giúp lựa chọn loại gỗ sản xuất và phân loại chất lượng dăm. Năm 2017, doanh thu của Công ty đạt trên 50 tỉ đồng, năm 2018 dự kiến sẽ đạt khoảng 90 tỉ đồng. Đồng thời, việc thu mua sản phẩm rừng trồng tại địa phương đã hỗ trợ bà con trong vùng có nguồn thu nhập ổn định.

Cũng trong năm 2017, Công ty cổ phần Thương mại gạch không nung Khánh Linh (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) đã được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia xây dựng mô hình TDKT sản xuất sản phẩm gạch không nung. Với việc đầu tư dây chuyền máy móc hoàn toàn mới, hiện đại có công suất 15 triệu viên/năm, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật vật liệu xây dựng hiện nay và chất lượng, mẫu mã đẹp đã giúp cho Công ty đi vào hoạt động sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho 40 lao động địa phương.

Được biết, không riêng 2 mô hình trên, năm 2017, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ cho hàng chục doanh nghiệp, cơ sở CNNT thực hiện các đề án xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có được kết quả này là do Trung tâm luôn bám sát định hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực, khai thác được lợi thế của địa phương và tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn có nhu cầu chuyển đổi công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, nguồn kinh phí từ khuyến công chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp CNNT trên địa bàn Tỉnh.

Theo kế hoạch, năm 2018, Khánh Hòa tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho các đơn vị CNNT trên cơ sở thông qua mô hình để xây dựng năng lực và chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị, cơ sở sản xuất. Điều quan trọng là kỹ thuật chuyển giao phải phù hợp với trình độ và các điều kiện thực tế của doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt chú ý khai thác lợi thế địa phương, sự phát triển bền vững và khả năng nhân rộng ra cộng đồng.


TBT
 

Tin đã đăng