Thực hiện chương trình khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tây Ninh đã triển khai đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa”. Việc thực hiện đề án đã góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm cho cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT); giải quyết việc làm cho 150 lao động tại địa phương; đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.

Tây Ninh là tỉnh đứng thứ hai trên cả nước, sau tỉnh Gia Lai về diện tích trồng mì (sắn). Năm 2016, diện tích trồng mì của Tỉnh đạt 50.000 ha, tổng sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn. Với lợi thế nguồn nguyên liệu địa phương, nhiều cơ sở CNNT trên địa bàn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh bột mì.

Thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tây Ninh đã phối hợp với Chi nhánh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Thương mại - Công nghiệp - Dịch vụ Hùng Duy 8, ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn triển khai đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa”.

Công nghệ tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa hiệu ALFA LAVAL, model TX-712B-34CH là công nghệ mới được sử dụng trên địa bàn huyện Châu Thành. Máy có xuất xứ Thụy Điển; công suất đạt 150 tấn tinh bột/ngày (45.000 tấn/năm). Việc chế biến tinh bột mì bằng máy Sê-pa trải qua 9 công đoạn, gồm: Tiếp nhận củ mì tươi; tách tạp chất, vỏ gỗ và bóc vỏ lụa; rửa, làm sạch; băm và nghiền nhỏ củ; ly tâm tách bã; thu hồi tinh bột thô từ công đoạn tách dịch; thu hồi tinh bột tinh; thành phẩm tinh bột; đóng gói. Sử dụng máy Sê-pa tách mủ tinh bột sẽ giảm thiểu rủi ro mất bột; chất lượng của tinh bột được bảo đảm ổn định, do lưu lượng nước rửa được tự động điều chỉnh theo thông số cài đặt. Với thiết kế nhỏ gọn, điện năng tiêu thụ thấp hơn khoảng 50% so với các loại máy khác, hiệu suất tách mủ cao.

Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn công nghệ tách mủ tinh bột mì bằng máy Sê-pa”, với kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2017, thu hút được 10,145 tỷ đồng kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng. Hiện tại máy móc, thiết bị được hỗ trợ đang vận hành ổn định, sản xuất hiệu quả, nâng cao được chất lượng sản phẩm, góp phần hạ giá thành, tạo cơ hội hợp tác với nhiều đối tác hơn cho doanh nghiệp, đồng thời giải quyết việc làm cho 150 lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, sử dụng máy tách mủ tinh bột mì, giúp cho việc tiêu thụ kịp thời sản phẩm nông nghiệp của nông dân sau khi thu hoạch, góp phần vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội của huyện và của Tỉnh.

Hoàng Linh

Tin đã đăng