Dịch bệnh bùng phát đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp và thương mại của Bắc Ninh, các Sở, ngành trong tỉnh đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, khôi phục và ổn định sản xuất, thương mại.

Theo số liệu từ UBND tỉnh Bắc Ninh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 của tỉnh giảm 2,2% so tháng trước và tăng 31,7% so cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, lũy kế 5 tháng đầu năm IIP của tỉnh vẫn tăng 14% so cùng kỳ năm 2020. Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp phải tạm ngừng hoạt động sản xuất do dịch bệnh với hơn 100 nghìn lao động. Trong đó, có 70 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp, tập trung chủ yếu ở thành phố Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, huyện Yên Phong.

Về thương mại, dù dịch bệnh đang bùng phát nhưng hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn khá khả quan. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt 16.647,8 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 13.579,2 triệu USD giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Về vấn đề lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay đều được thực hiện đúng quy định. Duy chỉ một số nông sản, vật tư nông nghiệp lưu thông, vận chuyển khó khăn do một số tuyến đường bị phong tỏa, phương tiện vận chuyển công cộng dừng hoạt động. Cùng đó, tỉnh Hải Dương đã lập chốt ngăn không cho nông sản Bắc Ninh đi qua cũng gây nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ nông sản của Bắc Ninh.

Theo đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh, do thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu và có biện pháp điều hành kịp thời. Về cơ bản nguồn cung hàng hoá luôn đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng sốt giá, khan hiếm hàng hoá trên địa bàn.

Trước diễn biến của dịch bệnh, để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho nhân dân, người lao động, từ đó ổn định sản xuất, Bắc Ninh đã đặt ra nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tiếp tục cho duy trì hoạt động đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện; triển khai các hướng dẫn doanh nghiệp về việc tổ chức hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hoá trong điều kiện có dịch. Khi có nguy cơ lây nhiễm dịch có thể thiết lập ngay vùng cách ly tại chỗ đối với tổ, đội, phân xưởng sản xuất và thực hiện các biện pháp cần thiết để vừa duy trì sản xuất vừa đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Thực hiện các biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hoá. Tiếp tục tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn…

Để trợ sức cho Bắc Ninh vượt qua đợt bùng phát dịch, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương có phương án hỗ trợ, điều tiết cung ứng hàng hoá thiết yếu cho Bắc Ninh. Chỉ đạo: Các tỉnh, thành phố thống nhất trong việc chỉ đạo lưu thông hàng hoá giữa vùng có dịch và vùng không có dịch, đặc biệt là tỉnh Hải Dương tạo cho điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp của Bắc Ninh đã tuân thủ các quy định về phòng chống dịch được lưu thông thuận lợi; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ hỗ trợ Bắc Ninh trong việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trước mắt là nâng cấp sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Ninh và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh đưa sản phẩm lên tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử uy tín; các đơn vị kinh doanh cung cấp dịch vụ logistics, kho bãi, kho lạnh, các hãng tàu… hỗ trợ việc bảo quản hàng hóa, giảm chi phí bảo quản, đặc biệt là các nông sản sau thu hoạch cần có chế độ bảo quản đặc biệt.

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các địa phương quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp (trực tuyến), đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, Ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Đề nghị Bộ Tài chính triển khai chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: Miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.

 

TTCN-ARIT