Trong mục tiêu, giải pháp thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương Bình Định đề nghị UBND tỉnh tăng khoảng 20-25% kinh phí nhằm tăng hơn nữa sức hút cho công tác khuyến công.

Theo số liệu từ Sở Công Thương Bình Định, 7 năm qua (2014-2020), tỉnh đã thực hiện 341 chương trình, đề án khuyến công với tổng kinh phí 27.853 triệu đồng. Trong đó, khuyến công quốc gia thực hiện 21 chương trình, đề án với kinh phí 9.719 triệu đồng, chiếm 35% so tổng kinh phí, bình quân 1.388 triệu đồng/3 đề án/năm; khuyến công địa phương thực hiện 320 chương trình, đề án với kinh phí 18.134 triệu đồng, chiếm 65% so tổng kinh phí, bình quân 2.591 triệu đồng/46 đề án/năm.

Qua đó, nhiều ngành nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp được khôi phục và phát triển, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập…; gia tăng số lượng cơ sở sản xuất; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cụ thể, khuyến công Bình Định dã thực hiện 10 đề án đào tạo nghề, truyền nghề cho 707 lao động nông thôn; 122 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật với tổng kinh phí hỗ trợ 14.135,6 triệu đồng; 123 chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, kinh phí 3.888,7 triệu đồng…

Đáng lưu ý, giai đoạn 2014-2020, khuyến công Bình Định đã thu hút trên 160.107 triệu đồng vốn đối ứng từ các cơ sở CNNT; tạo việc làm cho 3.717 lao động nông thôn tăng 3,1 lần trước khi được vốn khuyến công hỗ trợ; các cơ sở CNNT sử nguyên liệu sản xuất tại chỗ ở địa phương chiếm trên 76%; sản phẩm sản xuất ra đã được cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ; doanh thu của các cơ sở CNNT ước đạt 1.141 tỷ đồng…

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được, Sở Công Thương Bình Định đã xây dựng những mục tiêu cơ bản cho công tác khuyến công 5 năm tới (2021-2025). Theo đó đến năm 2025, hỗ trợ khoảng 300 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo, khởi sự, nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề; trên 110 cơ sở CNNT được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 40 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; hỗ trợ 05 đề án lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu trên, đồng thời tăng sức hút cho công tác khuyến công, bên cạnh nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm, Sở Công Thương sẽ lồng ghép khuyến công với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia khác nhằm tranh thủ nguồn vốn cho triển khai thực hiện.  Đề xuất với UBND tỉnh tăng khoảng 20-25% kinh phí khuyến công từ nguồn ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

 

TTCN-ARIT