Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Bình Thuận có 9 khu công nghiệp và 34 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 4.092ha. Đến nay đã có 6 khu công nghiệp và 14 cụm công nghiệp đã và đang triển khai đầu tư, bước đầu  đáp ứng về mặt bằng để bố trí dự án đầu tư thứ cấp.

Để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tỉnh Bình Thuận xác định việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai. Nhằm tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, bưu chính viễn thông, nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa tất cả các tuyến đường giao thông đến các xã trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc đi lại, giao thương thông suốt …; đồng thời, tập trung triển khai đầu tư các công trình như: sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây – Vĩnh Hảo, cảng tổng hợp Vĩnh Tân, đầu tư nâng cấp các cảng: Phan Thiết, Phú Quý, La Gi…

Tỉnh cũng rất chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính, đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công; chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý. Ngoài chính sách ưu đãi chung, tỉnh Bình Thuận còn ban hành chính sách riêng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gồm: Chính sách hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng đấu nối (giao thông, thoát thải) và chính sách hỗ trợ đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp.

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào, như: nông sản (thanh long, cao su, điều…), hải sản (cá các loại, tôm, mực, sò…), khoáng sản (sa khoáng titan, cát thủy tinh, sét bentonite, nước khoáng,…), năng lượng tái tạo,… Bình Thuận rất cần các dự án đầu tư công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng sẳn có của địa phương. Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tham gia hợp tác với các tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh; Bà Rịa - Vũng Tàu; Lâm Đồng, Ninh Thuận, các tỉnh miền Trung Tây Nguyên; tham gia xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài… Bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả thu được còn thấp, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, cả đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp; nhất là các nhà đầu tư có tiềm lực lớn và công nghệ hiện đại.

Để công tác xúc tiến đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đạt kết quả cao hơn nữa, tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục rà soát lại các quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư; tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì cùng với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của các tập đoàn, các doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế và kinh nghiệm trong việc đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Bình Thuận cũng mong muốn các tỉnh có ngành công nghiệp phát triển mạnh, như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ,… tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện và là cầu nối cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại các tỉnh có ngành công nghiệp chưa phát triển.


CTV