Đoàn công tác của Bộ Công Thương vừa làm việc với Đồng Nai về việc giám sát, hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu về nông thôn mới.

Ngày 6/12, Đoàn công tác của Cục Công Thương địa phương - Cơ quan thường trực Chương trình quốc gia về nông thôn mới của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Nội dung xoay quanh việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Bộ Công Thương được giao phụ trách.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn hiện đã có 120/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Đặc biệt, hiện 96 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và có 30 khu dân cư kiểu mẫu. Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai đang gửi Tờ trình để xét công nhận huyện Xuân Lộc đạt chuẩn huyện nâng cao.

Đồng Nai: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Đoàn đi kiểm tra thực tế tại một số cơ sở

Đối với tình hình thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp do Bộ Công Thương được giao phụ trách, đáng chú ý về tiêu chí số 4 hiện tỉnh Đồng Nai đã có 120 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 100%, cao hơn bình quân chung của vùng Đông Nam Bộ (99,3%) và cao hơn bình quân của cả nước (94,7%). Số xã đạt tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là 120/120 xã chiếm tỷ lệ 100%, cao hơn bình quân chung của vùng Đông Nam Bộ (98,3%) và cao hơn bình quân của cả nước (95,7%).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các tiêu chí cũng bộc lộ một số hạn chế, khó khăn nhất định như: Tiến độ đầu tư xã hội hóa lưới điện hạ thế phía sau các trạm biến áp do ngành điện đầu tư do UBND xã làm chủ đầu tư còn chậm trễ, chưa đồng bộ với tiến độ đầu tư của ngành điện dẫn đến phát sinh nhiều trạm biến áp ngành điện đã đầu tư nhưng chưa thể đưa vào khai thác. Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, công tác huy động vốn đóng góp của người dân để đầu tư xã hội hóa lưới điện hạ thế còn nhiều hạn chế.

Một số địa phương như huyện Cẩm Mỹ có khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang trong quá trình hình thành. Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu do đền bù, giải phóng mặt bằng.

Một số chợ gặp khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng lại chợ; hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chợ đối với một số chợ do doanh nghiệp đầu tư còn chậm trễ do khó khăn trong việc thực hiện thủ tục pháp lý về đất đai có liên quan. Cùng với đó là tồn tại đối với tiêu chí số 4 theo hướng dẫn tại Quyết định số 2332/QĐBCT ngày 07/11/2022 của Bộ Công Thương…

Đồng Nai: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Đoàn công tác làm việc với Sở Công Thương Đồng Nai và UBND huyện Định Quán

Trong buổi làm việc, bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đánh giá cao kết quả mà tỉnh Đồng Nai đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bà Đỗ Thị Minh Trâm cũng cho biết, Đồng Nai là dại diện duy nhất của khu vực phía Nam, là điểm sáng để các địa phương khác quan tâm học hỏi. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát huy vị thế đầu tàu của khu vực phía Nam trong xây dựng nông thôn mới để các địa phương khác học tập, đặc biệt là các xã tiêu biểu đang xét đạt nông thôn mới nâng cao và tiến dần lên kiểu mẫu.

Kết luận tại buổi kiểm tra, bà Trâm cũng nêu ra một số nội dung đề nghị Sở Công Thương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một số vấn đề cụ thể như:

Đối với tiêu chí về điện, cần đánh giá đầy đủ và có so sánh việc đầu tư phát triển lưới điện trong nông thôn vì lĩnh vực này luôn luôn biến đổi, suất đầu tư lớn, đặc biệt là ở khu vực miền núi. Qua đó, phối hợp, bám sát chặt chẽ với ngành điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Nam) xác định được các phụ tải để phát triển hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo an toàn, mỹ quan.

Đối với tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Sở cần cân nhắc, xem xét, huy động nguồn lực xây dựng chợ nông thôn theo mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương. Lưu ý, ưu tiên hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, khi có đủ nguồn lực mới triển khai đầu tư, không chạy theo thành tích.

Đồng Nai: Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới

Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đánh giá cao kết quả mà tỉnh Đồng Nai đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, bà Đỗ Thị Minh Trâm cũng yêu cầu Sở Công Thương cần tuyên truyền, thông tin các quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên tổ chức thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, khai thông mương, cống thoát nước tại các chợ, cơ sở bán lẻ khác ở nông thôn.

Đồng thời, Sở Công Thương cần thực hiện tốt các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, xúc tiến thương mại, xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… nhằm hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa thông suất, ổn định phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn, góp phần hỗ trợ thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn.

Cùng với đó, Sở Công Thương định kỳ 6 tháng và hàng năm phải báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gửi Bộ Công Thương (thông qua Cục Công Thương địa phương) để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương.

Cũng trong nội dung chương trình, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại cụm công nghiệp Phú Cường; chợ Phú Cường; hệ thống hạ tầng điện, năng lượng của xã Phú Cường và điểm giới thiệu sản phẩm của Công ty Ca Cao Trọng Đức.

Nguồn: congthuong.vn

Sưu tầm: Hải Đăng