Khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn mà còn kéo theo sự phát triển của một số ngành dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế ở nông thôn.


Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì và phát triển như: vốn đầu tư, năng lực quản lý, mặt bằng sản xuất, xử lý môi trường, thị trường, thiếu lao động có tay nghề, đặc biệt là thiếu sự liên kết, thống nhất trong tổ chức sản xuất kinh doanh. Để góp phần khôi phục và phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống phù hợp với tình hình phát triển kinh tế thị trường, tận dụng những tiềm năng sẵn có, thúc đẩy các ngành nghề truyền thống phát triển vững mạnh, tăng khả năng cạnh tranh và đứng vững trong quá trình hội nhập kinh tế thị trường, Đồng Nai chủ trương ưu tiên khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống trên địa bàn, đặc biệt là các nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ ở xã Tà Lài - huyện Tân Phú, nghề đúc gang trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, nghề sản xuất, chế biến nấm các loại trên địa bàn thị xã Long Khánh, nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Trảng Bom, nghề mây tre đan trên địa bàn huyện Định Quán...


Cùng với các đề án khôi phục phát triển nghề truyền thống, Đồng Nai đặc biệt quan tâm bố trí mặt bằng quy hoạch cụm công nghiệp sau khi đề án được phê duyệt, phát triển cụm công nghiệp theo hướng trở thành trung tâm liên kết các cơ sở hiện có, hình thành khu sản xuất tập trung bố trí các công đoạn sản xuất có khả năng gây ô nhiễm, showroom trưng bày sản phẩm. Riêng năm 2010, UBND cấp tỉnh và cấp huyện đã phê duyệt kế hoạch xây dựng điểm sản xuất thổ cẩm dân tộc Châu Mạ xã Tà Lài - huyện Tân Phú; Cụm công nghiệp: gỗ mỹ nghệ - huyện Trảng Bom; Cụm công nghiệp mây tre đan - huyện Định Quán; Cụm công nghiệp đúc gang - huyện Vĩnh Cửu; Cụm công nghiệp sản xuất chế biến nấm - thị xã Long Khánh. Việc hình thành các cụm công nghiệp phục vụ làng nghề là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, thu hút đầu tư, thu hút lao động nông thôn tham gia phát triển làng nghề, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp địa phương theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Để tạo nguồn lao động phục vụ các cơ sở công nghiệp nông thôn, các ngành nghề truyền thống, Trung tâm khuyến công Đồng Nai đã hỗ trợ kinh phí khuyến công để đào tạo nghề, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng từ 60 - 80% lao động được đào tạo tại chỗ và 100% lao động được bàn giao cho đơn vị thụ hưởng. Ưu tiên bố trí các dự án đầu tư ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống được vào các cụm công nghiệp, các điểm công nghiệp nhỏ và các điểm công nghiệp làng nghề theo quy hoạch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn; Tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp và đào tạo lao động có tay nghề, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cũng như tiếp cận các tiến bộ của khoa học nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn. Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham quan khảo sát, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất tiên tiến, tìm kiến nguồn nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất; Tổ chức các buổi hội thảo chuyên đề để các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, thông tin, đẩy nhanh các mối quan hệ kinh tế hợp tác đa phương, đặc biệt chú trọng đến thị trường nước ngoài nhằm tăng giá trị xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh và là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp truyền thống tham gia hội chợ triển lãm ở trong và ngoài nước; Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề cho lao động, đặc biệt là lao động vùng sâu, vùng xa, vùng công nghiệp chậm phát triển, trong đó có định hướng sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu; khai thác, tận dụng tiềm năng nguyên liệu sẵn có tại địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ tài chính, tín dụng một cách có hiệu quả…
 

Thái Thanh