Thực hiện chương trình khuyến công tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 – 2015. Được sự quan tâm của UBND tỉnh Yên Bái, Cục Công nghiệp địa phương - Bộ Công Thương, sự chỉ đạo sâu sát của Sở Công Thương, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

 

Trong khoảng thời gian từ năm 2008-20124, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Yên Bái (Trung tâm) đã thực hiện nhiều chương trình, đề án hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh với tổng kinh phí 20.247 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 11.490 triệu đồng với 199 đề án (Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật 04 đề án, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản 194 đề án, hỗ trợ đào tạo nghề 01); kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 8.757 triệu đồng với 44 đề án (Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật 27 đề án, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất 09 đề án, tổ chức Hội chợ triển lãm 02 đề án, tổ chức hội nghị khuyến công vùng 01 đề án, hỗ trợ đào tạo nghề 02 đề án, hỗ trợ quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp 03 đề án). Ngoài ra công tác khuyến công khác cũng đã được triển khai ở một số nội dung nhằm nâng cao năng lực quản lý và triển khai thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công.


Kết quả thực tế cho thấy hoạt động khuyến công thời gian qua đã đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dần công nghiệp. Tuy nguồn kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng cũng đã kịp thời khích lệ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, đầu tư mở rộng, thay đổi công nghệ máy móc thiết bị sản xuất. Qua đó thu hút được trên 265 tỷ đồng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.300 lao động địa phương


Mặc dù kết quả đạt đươc là như vậy, song trong quá trình triển khai, thực hiện các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn và tồn tại cần khắc phục: Nội dung hỗ trợ chưa được mở rộng, mới chỉ tập chung vào hai nội dung chính là xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất. Mức hỗ trợ vẫn còn thấp so với tổng vốn đầu tư của cơ sở dẫn đến chưa thu hút được nhiều cơ sở tham gia thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ. Đối với một số địa bàn được ưu tiên thì ít có cơ sở tham gia do nguồn vốn khó khăn, đầu tư khiêm tốn, nhỏ lẻ. Công tác lựa chọn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT để hỗ trợ còn nhiều hạn chế dẫn đến có một số đề án xin dừng thực hiện và chuyển đổi sang cơ sở khác. Cán bộ trực tiếp làm công tác khuyến công ở các huyện, thị, thành phố đa số kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác khuyến công, chưa có mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, xã.. vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng kế hoạch hàng năm. Chính vì vậy khi xây dựng chương trình hoạt động khuyến công còn nhiều hạn chế, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.


Trong những năm tới, để hoạt động khuyến công của tỉnh ngày một thiết thực và hiệu quả, ngoài khắc phục những khó khăn tồn tại nêu trên. Công tác khuyến công cần được sự quan tâm, quán triệt từ các cấp chính quyền cơ sở đặc biệt là sự chỉ đạo của lãnh đạo các huyện, thị, thành phố. Nếu được từng huyện, thị, thành phố nên đưa chương trình phát triển công nghiệp nông thôn vào kế hoạch công tác hàng năm của từng địa phương.

- Tăng cường phối hợp với các phòng chuyên môn Sở Công Thương hướng dẫn các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, đạt chất lượng. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án khuyến công đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các qui định khác về quản lý hoạt động khuyến công.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng, thu hút sự chú ý, làm cho các cấp, các ngành nắm được các chủ trương chính sách của Nhà nước về công tác khuyến công để chỉ đạo, phối hợp tham gia chương trình. Đặc biệt là làm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn biết được chính sách và nội dung hoạt động khuyến công của chương trình khuyến công, từ đó tích cực chủ động tham gia.
- Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cấp các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội, các tổ chức hỗ trợ phát triển khác để hỗ trợ và thực hiện hoạt động khuyến công.


Ngọc Lan (Sở Công Thương tỉnh Yên Bái)