Chưa bao giờ nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển kinh tế lại cao như bây giờ và cũng chưa bao giờ các phân ngành, lĩnh vực kinh tế lại “đồng loạt” đưa ra các bản quy hoạch chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2030 với một lượng vốn khổng lồ đến như vậy.


Viễn cảnh đưa ra khá sáng sủa, song việc tìm nguồn vốn ở đâu để thực hiện các đề án, chiến lược đó quả là không dễ dàng chút nào.


Điểm danh những dự án tỷ USD


Theo quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến năm 2020, tổng số tiền cần đầu tư vào khoảng 360-440 ngàn tỷ đồng. Ngành hàng không cũng đưa ra mục tiêu trong vòng 10 năm tới xây dựng mới và tu bổ hàng chục sân bay với tổng kinh phí cả chục tỷ USD, chỉ riêng dự án Sân bay Long Thành (Đồng Nai) cũng ngốn tới 7 tỷ USD. Ngành đóng tàu cũng cần 1,5 tỷ USD để hiện đại hóa hoạt động và nhập khẩu công nghệ tiên tiến từ nay đến năm 2020 (trong đó có 700 triệu USD từ các liên doanh, 150 triệu USD từ vốn vay nước ngoài và phần còn lại là các nguồn trong nước).


Như vậy, nếu tính tất cả các phân ngành, lĩnh vực kinh tế từ công nghiệp, giao thông - vận tải, xây dựng, giáo dục, đến y tế… trong giai đoạn 10 năm “nước rút” để thực hiện thắng lợi mục tiêu về cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, phải cần tới hàng trăm tỷ USD.


Quy hoạch dễ, tìm vốn mới khó


Ước tính đến hết năm 2010, nếu mỗi năm GDP đạt mức tăng trưởng 6,5-7,5% thì GDP của Việt Nam có thể đạt con số 100 tỷ USD trong năm 2011, 150 tỷ USD năm 2015 và có thể là trên 200 tỷ USD vào năm 2020. Nghĩa là để tạo ra từ 100-200 tỷ USD, chúng ta cần phải có hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư. Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp (kể cả dự trữ ngoại hối), chắc chắn chỉ phát huy nội lực sẽ không đủ. Và như thế, không còn cách nào khác phải huy động bằng các hình thức khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường vốn trong và ngoài nước, trong đó các DN, địa phương đang đặt nhiều “niềm tin” vào việc đi vay nguồn vốn nước ngoài.


Nói đi vay nhưng chưa chắc đã dễ. Khó khăn từ việc huy động vốn bằng hình thức vay nợ nước ngoài của ngành đóng tàu, cụ thể là dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất thời gian qua là ví dụ điển hình. Vì đối với phía nước ngoài, không phải cứ chìa dự án ra là được vay. Để chắc ăn, không ít đối tác ép DN muốn vay phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Còn trên bình diện an toàn vốn đối với quốc gia và khả năng trả nợ “dài hơi”, khó có thể trông chờ nhiều vào nguồn vay nước ngoài (ngoại trừ cho vay dưới hình thức ODA). Vì theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ vay nước ngoài được coi là an toàn khi không vượt quá 50% GDP, riêng đối với nước ta, trong chiến lược vay vốn từ bên ngoài trong những năm tới đảm bảo tỷ lệ bằng 34-38% GDP. Chiếu theo chiến lược đó, mỗi năm chúng ta chỉ có thể đi vay từ 30-40 tỷ USD cho phát triển kinh tế. Quy định đi vay chỉ được phép ở ngưỡng 38% so với GDP, vay trong nước cũng như huy động vốn qua các kênh trái phiếu, cổ phiếu cùng lắm đạt cỡ 50 tỷ USD cho 10 năm tới, vậy mà tỉnh, ngành nào cũng quy hoạch chiến lược phát triển với một lượng vốn khổng lồ, như thế không biết sẽ huy động thế nào? Xem ra, chỉ xét dưới góc độ vốn, những siêu dự án trên thật khó khả thi. Và nếu vì một lý do nào đó cố đi vay để thực hiện mục tiêu phát triển bằng mọi giá, bài học về sự tăng trưởng thần kỳ của Hy Lạp thập kỷ 90 dẫn đến cuộc tấn công của khủng khoảng nợ hiện tại đáng để chúng ta suy nghĩ.


Điều đáng bàn là, dù một số dự án đưa ra có thể biết là rất khó khả thi, nhưng các cơ quan hoạch định vẫn cố “đẻ” ra bằng được. Lý giải một phần nguyên nhân của hiện tượng này, trước hết cần phải kể đến cấu trúc “kềnh càng” của các Bộ hiện nay. Theo cơ cấu, Bộ nào hầu như cũng có viện nghiên cứu chiến lược phát triển. Chức năng của các viện là giúp Bộ chủ quản hoạch định chiến lược phát triển ngành, phân ngành trong lĩnh vực quản lý của mình… Viện nhiều biên chế lắm, song không ít chuyên gia nhìn nhận không phải viện nào cũng “quy tụ” được những bộ óc giỏi để thực sự là cơ quan tham mưu trong khâu hoạch định chiến lược. Đã ăn lương chẳng nhẽ không làm, mà đã làm, đã bắt tay vào thực thi đề án là có tiền ngân sách, nên không ít viện “đến hẹn lại lên” cứ “vẽ” ra chiến lược phát triển, đề án phát triển. Thế nên chẳng có gì ngạc nhiên khi không ít đề án phát triển cho giai đoạn 5 năm, 10 năm của các ngành khi hoàn thành xong đề án trình Bộ… phê duyệt cũng là thời điểm đích thời gian không còn nhiều./.
 

Nguồn: Ven.vn