
Thành công lớn, hạn chế cũng không nhỏ
Sau 20 năm (1991-2010) xây dựng và phát triển, với những chính sách ưu đãi về đầu tư, những thuận lợi về cơ sở hạ tầng hệ thống các khu công nghiệp (KCN) đã thực sự trở thành điểm nhấn, là nam châm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số dự án và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN tăng đều qua từng giai đoạn. Cụ thể, ở giai đoạn 1991-1995, số dự án FDI vào các KCN mới đạt 155 dự án với tổng số vốn đăng ký là 1,55 tỷ USD, sang giai đoạn 1996-2000 đã tăng lên 588 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 7,2 tỷ USD, giai đoạn 2001-2005 số dự án FDI là 1.377 dự án tổng số vốn đạt trên 8,1 tỷ USD và giai đoạn 2006-2010, số dự án FDI đã tăng lên 1.860 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 36,8 tỷ USD. Đặc biệt, trong năm 2011 các dự án FDI đầu tư vào các KCN tăng đột biến đạt 4.113 dự án với tổng số vốn đạt 59,6 tỷ USD.
Theo nhận định của ông Đỗ Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, hàng năm số vốn FDI vào các KCN chiếm từ 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước. Nếu xét riêng về thu hút FDI trong ngành Công nghiệp thì các dự án FDI sản xuất công nghiệp trong các KCN chiếm tới 80% tổng vốn FDI vào ngành Công nghiệp cả nước. Chỉ tính riêng năm 2011, tổng vốn FDI đã đăng ký vào các KCN đạt 6,47 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 7,28 tỷ USD tương đương với 44% và 67% tổng vốn FDI đăng ký và thực hiện của cả nước năm 2011. Chính những thành công trong việc thu hút vốn FDI đã tạo đà tăng trưởng cho ngành Công nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Ở phương diện vĩ mô có thể khẳng định các KCN đã tạo nên diện mạo mới cho cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết, bên cạnh những thành công đáng ghi nhận, mô hình kinh tế KCN cũng còn tồn tại nhiều hạn chế trong việc thu hút vốn FDI. Điển hình là việc quy hoạch các KCN trên cả nước còn mâu thuẫn và chồng chéo, ngay cả việc triển khai, điều chỉnh các quy hoạch đã phê duyệt của địa phương còn chưa hợp lý và chưa tận dụng được tiềm năng của địa phương. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ trong các KCN còn chưa cao nếu không muốn nói là thấp với số vốn trung bình khoảng 3,5 triệu USD/ha trong khi ở các KCN có hàm lượng công nghệ cao mức vốn này đạt con số từ 40-100 triệu USD/ha. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do tính phù hợp về ngành nghề trong cơ cấu đầu tư chưa cao, các địa phương vẫn dành nhiều ưu tiên cho việc lấp đầy các KCN mà chưa thực sự chú trọng tới cơ cấu ngành nghề, công nghệ. Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia vào các KCN cũng chưa được xây dựng một cách đồng bộ, thống nhất với định hướng thu hút các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư ưu tiên gắn với lợi thế và tiềm năng phát triển. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng, công tác bảo vệ môi trường và vấn đề lao động tại các KCN còn nhiều bất cập, khó khăn… tất cả những vấn đề đó đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả thu hút vốn FDI tại các KCN hiện nay.
Và giải pháp
Được biết, để khắc phục những khó khăn còn tồn tại của các KCN trong việc thu hút nguồn vốn FDI đồng thời định hướng cho các KCN phát triển trong tương lai hướng tới mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp, Bộ KH&ĐT sẽ tập trung cải thiện chất lượng thu hút đầu tư vào KCN. Theo đó, sẽ tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thâm dụng vốn, thân thiện với môi trường, các ngành nghề xác định là mũi nhọn phát triển và có lợi thế của Việt Nam. Tăng cường tính liên kết ngành trong phát triển KCN để hình thành nên các KCN liên kết ngành nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của KCN và nâng cao hiệu quả hoạt động của các KCN, dần hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong tổng giá trị gia tăng của địa phương.
Xây dựng kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư thống nhất trên phạm vi cả nước, tập trung xúc tiến đầu tư theo vùng để tăng cường hiệu quả, tránh chồng chéo. Thực hiện đầu tư có trọng điểm, tập trung ưu tiên một số đối tác lớn, quan trọng và những ngành nghề, lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN; kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường; chăm lo đời sống vật chất cho người lao động và đặc biệt là hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển KCN.
Trên phương diện của một doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam cho rằng: Để tăng sức hấp dẫn nguồn vốn FDI cho các KCN thì sự ủng hộ hơn nữa của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi là điều rất cần thiết. Hiện nay các DN trong các KCN không còn được hưởng ưu đãi về giá thuê đất, trong khi đó chi phí cho nhân công, chi phí đầu vào ngày một tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư của DN nước ngoài.
Đồng tình với quan điểm của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, bà Nguyễn Thu Hằng, Giám đốc công ty phát triển đô thị bày tỏ, bên cạnh việc DN trong các KCN không còn được hưởng ưu đãi về giá thuê đất thì các DN hiện vẫn chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đây cũng là một trong yếu tố khiến các DN FDI giảm độ mặn mà với Việt Nam. Theo đó, bà Hằng kiến nghị với Chính phủ có sự ưu đãi hơn nữa về thuế, chính sách đất đai và đề nghị được giao dịch với DN nước ngoài bằng ngoại tệ vì theo bà Hằng, giao dịch bằng ngoại tệ với DN FDI không chỉ thuận lợi hơn cho các DN mà còn là phương thức hữu hiệu đem lại nguồn ngoại tệ cho đất nước.
Phạm Kim