Tính đến nay, Hải Phòng hiện có 9 làng nghề CN-TTCN đã được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận (08 làng nghề truyền thống, 01 làng nghề mới). Các làng nghề tập trung sản xuất kinh doanh ở các nhóm ngành nghề: Đúc cơ khí, sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt. Các làng nghề CN-TTCN hoạt động đã thu hút khoảng trên 2.500 hộ tham gia sản xuất với khoảng trên 3.500 lao động có việc làm thường xuyên.


Lợi nhuận bình quân từ hoạt động sản xuất kinh doanh của khối HTX ngành Công Thương nhìn chung ở mức thấp; tỷ lệ đóng góp vào tổng thu ngân sách thành phố rất nhỏ. Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, một số làng nghề truyền thống đã chủ động tìm hướng phát triển sản phẩm mới, tổ chức sản xuất những sản phẩm thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn. Một số làng nghề truyền thống có sản phẩm khả năng cạnh tranh kém đã chuyển sang thương mại, mua sản phẩm từ các địa phương khác về kinh doanh.

 

Với mục tiêu đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động tại chỗ của các cơ sở công nghiệp – tiểu thủ CNNT để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa và xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2009-2012 Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm khuyến công và tư vấn PTCN (Trung tâm), triển khai thực hiện 8 đề án: đào tạo nghề hàn, cơ khí; đào tạo năng cao kỹ thuật nghề mây tre đan, điêu khắc gỗ, sơn mài cho thợ lành nghề; đào tạo nghề may công nghiệp, may mũ giầy tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thủy Nguyên…) cho 3.830 lao động, với tổng kinh phí hỗ trợ là 4.087,85 triệu đồng, trong đó: kinh phí trung ương hỗ trợ 5.370 triệu đồng, kinh phí thành phố hỗ trợ là 105,32 triệu đồng.

 

Nhằm hỗ trợ xây dựng mô hình TDKT, phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới, nhân rộng tới các doanh nghiệp CN – TTCN nông thôn học tập và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào các khâu sản xuất, giai đoạn 2009-2011, Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo Trung tâm triển khai thực hiện 11 đề án với tổng kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương hỗ trợ là 625 triệu đồng, cụ thể như: Xây dựng mô hình TDKT chế tạo lắp ráp máy thái thuốc lào và máy cấy mạ nhổ tại Cơ sở Cơ khí, lắp ráp máy nông cụ Vũ Xuân Hào; Ứng dụng MMTB tiên tiến vào khâu tạo mẫu giác sơ đồ trong dây chuyền may xuất khẩu tại Cty TNHH Thương mại Sao Mai (huyện Vĩnh Bảo); Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật đóng tàu pha sông biển tại Công ty TNHH TM Khiên Hà và mô hình TDKT sản xuất sản phẩm mới đá mỹ thuật tại Công ty cổ phần Mỹ thuật Tuấn Thiện (huyện An Lão); Ứng dụng MMTB tiên tiến làm sạch sản phẩm đúc kim loại tại DNTN cơ khí Đúc gang Thành Phương (huyện Thủy Nguyên)....

 

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là người làng nghề không còn mặn mà với nghề. Cụ thể, huyện Thủy Nguyên có 5 làng nghề thủ công, 3 năm gần đây, số lao động trong các làng nghề giảm khoảng 3.000 người. Huyện An Dương có 29 hợp tác xã, làng nghề thủ công nghiệp, số lao động ở các làng nghề truyền thống giảm gần 200 người. Huyện Vĩnh Bảo có làng nghề điêu khắc gỗ sơn mài, hiện chỉ có 40 lao động làm việc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các mặt hàng thủ công tiêu thụ chậm, giá thành hạ, thu nhập thấp, lao động trẻ phải bỏ việc ra thành phố kiếm việc làm.

 

Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả công tác truyền nghề, cần thay đổi phương thức truyền nghề, trong đó chú trọng việc xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy một cách bài bản, khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại vào đào tạo, tăng cường thiết bị nâng cao chất lượng cơ sở dạy nghề. Đồng thời quan tâm đến đầu ra sản phẩm cho các làng nghề để người lao động yên tâm học nghề, nghệ nhân yên tâm truyền nghề. Các địa phương tạo điều kiện để các nghệ nhân, thợ cả truyền nghề cho lớp trẻ, giúp các xã có thể dễ dàng dịch chuyển lao động từ sản xuất nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới.

 

Khánh Chi