Ngày 23/9/2022, tại TP Thanh Hóa, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức “Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII, năm 2022”. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Công Thương; các Sở, ban, ngành, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; các cơ quan báo chí của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa. Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương và Ông Mai Xuân Liêm - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - chủ trì Hội nghị.

Đồng bộ các giải pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh

“Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII, năm 2022” được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức: ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, biến động địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột giữa Nga và Ucraina, hạn hán ở Trung Quốc…, đã và đang tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn.

Với sự quyết tâm cao, ngành Công Thương khu vực phía Bắc đã nỗ lực phấn đấu, chủ động trong công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của khu vực và cả nước, một số thành tựu nổi bật:

Về sản xuất công nghiệp:  Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 toàn khu vực đều tăng trên 5% so với mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 4,7%). Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố (IIP) đứng đầu cả nước: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình.  

9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trong khu vực tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ; có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%) đặc biệt có những địa phương chỉ số sản xuất công nhiệp (IIP) ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.

Về thương mại nội địa: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2021 đạt 1.787 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so cùng kỳ, cao hơn cả nước (cả nước giảm 3,8%). Trong đó, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương...

9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.612,9 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao: Hà Nội ước đạt 509,8 nghìn tỷ đồng; Hải Phòng ước đạt 128,9 nghìn tỷ đồng; Thanh Hóa ước đạt 127,4 nghìn tỷ đồng; Quảng Ninh ước đạt 114,8  nghìn tỷ đồng...

Về xuất nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực phía Bắc năm 2021 đạt 197,31 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước tăng 19%). Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, chiếm tỷ trọng lớn/toàn khu vực là: Bắc Ninh 22,7%; Thái Nguyên 14,7%; Hải Phòng 13,4%; Bắc Giang 8%; Hà Nội 7,8%; Vĩnh Phúc 6,7%...

Tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực phía Bắc 9 tháng 2022 ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực là: Bắc Ninh; Thái Nguyên; Hải Phòng; Bắc Giang; Hà Nội...

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của khu vực như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… còn phụ thuộc nhiều vào linh kiện, phụ tùng nhập khẩu, khiến sản xuất bị động, chi phí cao... Vốn đầu tư và năng suất lao động chưa ổn định; chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại còn chậm; chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh còn thấp; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu phần lớn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn thấp nên hạn chế khả năng sản xuất sản phẩm dịch vụ có tính ưu việt, chất lượng và giá trị cao. Kết cấu hạ tầng thương mại được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đặc biệt ở các tỉnh còn khó khăn. Vấn đề liên quan đến môi trường phòng chống cháy nổ, rác thải, nước thải, khí thải của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp vẫn cần tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý triệt để. Công tác liên kết vùng còn nhiều hạn chế, nhất là các hoạt động phối hợp, hợp tác giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư theo hướng chuyên môn hóa để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương tạo động lực cho phát triển của toàn vùng.

Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo, phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh: Đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:
 Một là, Tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương và địa phương đã ban hành; nhất là các nội dung liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các Chương trình phục hồi kinh tế... để hoàn thành các mục tiêu năm 2022.
Hai là, Tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ban hành các chiến lược, đề án phát triển các ngành công nghiệp, thương mại địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời tích hợp những nội dung này vào Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử…
Rà soát lại hiện trạng, nhu cầu để lập các phương án/nội dung quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp thương mại cho phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; làm cơ sở tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện.
Ba là, Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.Tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định; tiếp tục kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp có giá trị cao.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển. Quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Bốn là, Tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Triển khai Chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung - cầu, giá cả trên từng địa bàn. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển trên thị trường nội địa. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên môi trường số, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Năm là, Đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
Tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước, tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Tuân thủ hướng dẫn của các Bộ, ngành triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch có lộ trình khi được Chính phủ thông qua.
Sáu là, Thực hiện các chương trình, hoạt động của ngành Công Thương đang triển khai hỗ trợ các địa phương trên cả nước như: Chương trình khuyến công, Chương trình khoa học và công nghệ, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...

Năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đăng cai tổ chức hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ IX.

KHTH (ARIT)