Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu về tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường nội địa tăng lên mạnh mẽ, trong đó nhu cầu mua sắm đồ gỗ trong hộ gia đình là tương đối lớn. Bình quân mỗi hộ gia đình cần mua sắm đồ gỗ với khoảng 6 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê ... cũng có xu hướng tăng nhanh.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho hay: Việt Nam hiện có trên 93 triệu dân, nhu cầu tiêu thụ gỗ rất lớn. Mỗi năm chúng ta có tới 70 – 80 triệu m2 nhà mới được xây dựng, rất cần gỗ để phục vụ cho xây dựng như: Cốp pha, gỗ giàn giáo, bên cạnh đó là gỗ gắn với công trình ví dụ như tủ bếp, ván sàn, cửa… Tính riêng gỗ xây dựng, hàng năm, Việt Nam tiêu thụ tới 2 – 3 triệu m3 gỗ, giá trị tại thị trường nội địa 2 - 3 tỷ USD.
Rõ ràng đây là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần. Tuy nhiên, vì mải mê chạy theo xuất khẩu, mà các doanh nghiệp gỗ trong nước đang bỏ quên chính sân nhà của mình.Thị phần gỗ nội địa hiện nay đang "rơi" vào tay các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nhật...
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, từ khi mở cửa tới nay, Nhà nước khuyến khích xuất khẩu nên nhiều doanh nghiệp chủ yếu tập trung xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi về chính sách, nhất là chính sách thuế. Cụ thể, doanh nghiệp nhập khẩu gỗ hay xuất khẩu sản phẩm gỗ, thuế đều bằng 0%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng gia công với các công ty lớn như IKEA. Doanh nghiệp nước ngoài cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu mẫu mã, giá cả, số lượng cũng như toàn bộ thông tin về quy định thị trường. Doanh nghiệp nội địa làm theo và xuất hàng đi tương đối thuận lợi. Trong khi đó, khi hướng vào thị trường nội địa, doanh nghiệp phải tự mang sản phẩm đi giới thiệu, bán hàng...
Trong khi các doanh nghiệp lớn chú trọng hướng đến thị trường xuất khẩu, thị trường đồ gỗ nội địa hầu như phó mặc cho làng nghề, thì sự cạnh tranh các sản phẩm của làng nghề gỗ cũng không dễ. Ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, các sản phẩm làng nghề gỗ hiện nay còn yếu vì nguyên liệu còn kém, nhiều sản phẩm thứ cấp, mẫu mã đơn điệu, không đồng đều, giá cả sản phẩm nhiều lúc còn đắt hơn sản phẩm của nước ngoài khiến đồ gỗ nội khó thu hút được người tiêu dùng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với dân số hơn 90 triệu người và mức sống của người dân đang được nâng lên nhanh chóng, thị trường nội địa là khá lớn và nhiều tiềm năng đối với ngành gỗ. Ước tính chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ Việt Nam với giá trị khoảng 2,25 tỷ USD và bình quân khoảng 31,7 USD/người. Cơ cấu sản phẩm gỗ tham gia thị trường nội địa là 40% cho xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và 30% phục vụ cho nhu cầu của cư dân thành thị. Nếu làm tốt thì thị phần của gỗ Việt Nam tại thị trường nội địa sẽ cao hơn nhiều.
Để phát triển thị trường đồ gỗ nội địa, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, Nhà nước cần có định hướng, chính sách rõ ràng để làng nghề gỗ phát triển. Theo đó, Nhà nước giúp đỡ để xây dựng hệ thống phân phối, đại lý bán hàng, hỗ trợ mặt bằng sản xuất,… Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các làng nghề chế biến gỗ nói riêng và các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ nói chung phải đẩy mạnh đổi mới nguyên liệu sản xuất, mẫu mã, thiết kế để sản phẩm làm ra ngày càng phù hợp hơn với thị hiếu người tiêu dùng…
TBT