Trong khuôn khổ Chương trình Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu quốc gia và Triển lãm hội chợ hàng CNNT tiêu biểu năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm về công tác phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế; từ đó xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả thực hiện; đồng thời đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền các nội dung cần thiết nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu (các cấp) của giai đoạn tiếp theo.

Báo cáo do Cục Công Thương địa phương (CTĐP) trình bày tại Tọa đàm cho cho thấy: Từ năm 2012 đến này, đã có 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu; công nhận, cấp giấy chứng nhận cho 2.430 sản phẩm, bộ sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và lựa chọn 1.887 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực. Công tác xây dựng văn bản, ban hành văn bản quy định hướng dẫn về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được triển khai đồng bộ, cụ thể:

Ở Trung ương: Sau khi Nghị định số 45/2012/NĐ-CP và Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 được ban hành; Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 26/2014/TT-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2014 quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Qua thực tế triển khai thực hiện, đóng góp ý kiến của các địa phương, cơ sở CNNT; để cải cách thủ tục hành chính, liên thông quy trình bình chọn từ cấp huyện đến cấp quốc gia; đồng thời làm rõ một số nội dung, bổ sung thêm thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận…; Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2014/TT-BCT quy định về việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu.

- Ở các địa phương: Đến nay, có 55/63 địa phương đã ban hành Chương trình khuyến công giai đoạn trong đó có nội dung về công tác bình chọn, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu; bênh cạnh ban hành Chương trình khuyến công giai đoạn, có 32/63 địa phương ban hành Quy chế bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Việc ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn của cơ quan Trung ương và các địa phương đã góp phần thúc đẩy công tác bình chọn, phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp; đồng thời, thông qua các hội nghị tập huấn, phổ biến văn bản về khuyến công đến các trung tâm, cơ sở CNNT, công tác tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu được thực hiện theo quy trình, hồ sơ đăng ký sản phẩm tham gia bình chọn được chuẩn hóa, nề nếp. Qua các kỳ bình chọn, việc thành lập Hội đồng, Ban Giám khảo các cấp có nhiều đổi mới, thành viên tham gia đại diện từ các các cơ quan Bộ, ban ngành trung ương và địa phương; các tổ chức chính trị - xã hội các hiệp hội ngành nghề, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về các nhóm, lĩnh vực sản phẩm đăng ký bình chọn. Qua đó, việc đánh giá bình chọn sản phẩm được xem xét trên nhiều góc độ, đảm bảo công bằng, khách quan, thực hiện theo các tiêu chí quy định.

Đến năm 2018, Cục CTĐP đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức 4 kỳ bình chọn cấp khu vực, đã có 807 sản phẩm được công nhận, cấp Giấy chứng nhận. Qua các kỳ bình chọn cấp khu vực, số địa phương đăng ký tham gia kỳ sau luôn cao hơn kỳ trước. Nếu như năm 2012 có 36 địa phương tham gia thì đến năm 2018 đã có 52 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia.

Bộ Công Thương cũng đã tổ chức 3 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia với 312 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận. Qua các kỳ bình chọn cấp quốc gia cũng cho thấy, triển khai công tác tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã thu hút, khuyến khích, động viên được các cơ sở sản xuất CNNT tích cực hưởng ứng tham gia, không ngừng phát triển, giữ vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; không ngừng mở rộng, phát triển quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu xã hội.

Cùng với công tác bình chọn, tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu, những năm qua Bộ Công Thương cũng dành nhiều hỗ trợ cho phát triển sản phẩm này. Theo đó, từ kết quả bình chọn cấp khu vực và quốc gia, các cơ sở CNNT đã được hưởng các quyền lợi như: Thưởng bằng tiền mặt, in hoặc dán nhãn Logo của chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm công nhận; được cung cấp thông tin tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, xúc tiến thương mại và các hoạt động khuyến công khác.

Cùng với Lễ Tôn vinh, năm 2017, 2019 đã hỗ trợ khu trưng bày, gian hàng giới thiệu sản phẩm cho 450 cơ sở CNNT tại triển lãm hội chợ hàng CNNT tiêu biểu; . hỗ trợ 48 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm; 330 cơ sở CNNT có sản phẩm tiêu biểu xây dựng trang thông tin điện tử (website) để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm; 75 cơ sở CNNT có sản phẩm tiêu biểu được giới thiệu về sản xuất, chất lượng sản phẩm trên kênh Truyền hình VTV…

Theo đánh giá chung, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp đã phát huy lợi thế địa phương, khuyến khích các cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh các ngành nghề truyền thống kết hợp với ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để tạo nên nhiều thương hiệu mạnh.

Phát biểu tại toạ đàm,Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá: Công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được triển khai thực hiện tốt trong nhiều năm qua nhưng để tìm được những sản phẩm thực sự tiêu biểu, có uy tín cao trên thị trường lại là việc các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần liên kết cùng nhau thực hiện. “Bắt đầu ngay với những sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019, Cục CTĐP, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước… có kế hoạch làm việc cụ thể với từng địa phương, DN có sản phẩm được công nhận để tư vấn, định hướng và có hỗ trợ sát thực, hiệu quả”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu:  Để tiếp phát huy hiệu quả công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, công tác bình chọn cũng cần xem xét hệ thống tiêu chí chấm điểm về độ phù hợp, hồ sơ thủ tục cũng cần đơn giản hơn. Bên cạnh công tác vận động, chương trình cũng cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh mới có thể khuyến khích được DN xây dựng sản phẩm thực sự tiêu biểu. Công tác thông tin tuyên truyền cũng cần đặc biệt được chú trọng, cùng với việc đưa thông tin về sản phẩm, DN có sản phẩm được công nhận lên hệ thống website của các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh còn cần tuyên truyền sâu rộng trên các cơ quan truyền thông của Bộ như Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương. Cần thiết có thể xây dựng website riêng cho chương trình và đưa tất cả thông tin về sản phẩm, thậm chí cả thông tin hình ảnh trong quá trình bình chọn để công khai minh bạch quá trình triển khai thực hiện. Cục CTĐP nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về Chương trình khuyến công quốc gia, trong đó có công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu để có ngay dữ liệu phục vụ quảng bá, giới thiệu với nhà phân phối khi cần. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cố gắng, nỗ lực thực hiện được các nhiệm vụ trên, tôi hy vọng đến kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tiếp theo vào năm 2021 chương trình sẽ có được những sản phẩm thực sự tiêu biểu”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Quang Lâm - ARIT