Sáng tạo trong đào tạo nghề
Ông Phan Minh Tuyến – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm đã tổ chức được 10 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho hơn 350 học viên tại các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc và TP. Hòa Bình; mở 8 lớp đào tạo nghề sản xuất chổi chít xuất khẩu cho 280 học viên. Riêng với nguồn kinh phí địa phương khoảng hơn 400 triệu, Trung tâm đã hỗ trợ đào tạo cho 11 lớp nghề may công nghiệp, dệt thổ cẩm, mành tre... Theo ông Tuyến, khó khăn nhất khi triển khai công tác đào tạo là theo quy định tổ chức lớp phải từ 20 đến 35 học viên, trong khi Hòa Bình nhiều địa phương dân cư phân bố khá thưa thớt. Do đó chỉ phù hợp với những nơi tập trung hoặc đơn vị sản xuất lớn, còn các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình sẽ khó có cơ hội tham gia. Vì vậy, Trung tâm đã linh hoạt ghép lớp để tạo sự công bằng. Trước khi thực hiện, Trung tâm đã phối hợp với các Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố để rà soát, lên kế hoạch cụ thể về đối tượng thụ hưởng. Các doanh nghiệp đạt tiêu chí thụ hưởng thường lồng ghép nhu cầu tuyển dụng, sau đó làm hồ sơ đề nghị mở lớp đào tạo. Do vậy 100% học viên sau khi đào tạo đều được nhận vào làm. Thông qua đó, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống được khôi phục, mở rộng và phát triển, các ngành công nghiệp áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động.
Đổi mới hoạt động khuyến công
Trước năm 2005, Hòa Bình là một tỉnh trắng công nghiệp, nhưng Sở Công Thương vẫn chú trọng đến công tác khuyến công trên địa bàn. Sau khi Nghị định 134 về khuyến công ra đời, các hoạt động khuyến công, nhất là đào tạo nghề phát triển mạnh mẽ, đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của Hòa Bình duy trì ở mức 18-19%/năm. Bản thân Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các phòng ban chức năng liên quan tại địa phương, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương để xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với nhu cầu của cơ sở sản xuất.
Năm 2013, với nhiều giải pháp tích cực hoạt động khuyến công Hòa Bình đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần thúc đẩy công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển. Tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển đời sống kinh tế văn hóa- xã hội của tỉnh Hòa Bình.
Theo kế hoạch, sang năm 2014, Trung tâm vẫn duy trì việc đào tạo nghề cho các cơ sở CN-TTCN ở địa phương vì nhu cầu vẫn cao. Trong đó đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động sản xuất sản phẩm xuất khẩu, các lớp khởi sự, quản trị doanh nghiệp. Gắn liền đào tạo với tư vấn đầu tư, quản lý, marketing, thiết kế mẫu, liên doanh liên kết, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời sẽ tập trung vào nội dung khuyến khích, hỗ trợ cơ sở sản xuất nghiên cứu, phát triển và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là những công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.
Đình Dũng