Chiều ngày 22 tháng 9 năm 2022, tại TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Cục Công Thương địa phương (CTĐP) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVI, năm 2022. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Công Thương, lãnh đạo đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; đại diện UBND một số huyện tỉnh Thanh Hóa; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Cục CTĐP; một số cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Cục trưởng Cục CTĐP Ngô Quang Trung, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai đồng chủ trì Hội nghị.


Hỗ trợ hiệu quả cơ sở CNNT

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2021, dưới những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các hoạt động của nền kinh tế, nguồn ngân sách dành cho hoạt động khuyến công cũng đã giảm sút đáng kể. Mặc dầu vậy, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2021 của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 130,39 tỷ đồng, đạt 91,74% so với kế hoạch năm. Trong đó: Tổng kinh phí KCQG thực hiện là 50,25 tỷ đồng, đạt 99,25% so với kế hoạch. Tổng kinh phí KCĐP thực hiện là 80,14 tỷ đồng, đạt 87,58% so với kế hoạch. Một số địa phương trong khu vực tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá cho hoạt động khuyến công: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Nghệ An, Thái Bình,...

Một số nội dung hoạt động khuyến công thực hiện đạt tỷ lệ cao như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở CNNT; hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT; ...

Năm 2022, theo báo cáo, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 174,27 tỷ đồng, cao hơn 22,62% so với kế hoạch năm 2021, trong đó: Kinh phí KCQG giao theo kế hoạch là 79,68 tỷ đồng, kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch là 94,59 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2022, kinh phí khuyến công toàn vùng ước thực hiện được 73,65 tỷ đồng, đạt 42,26% kế hoạch năm. Trong đó: Kinh phí KCQG ước thực hiện 33,32 tỷ đồng đạt 41,82% kế hoạch năm; Kinh phí KCĐP ước thực hiện 40,33 tỷ đồng đạt 42,63% kế hoạch năm. 
Năm 2021, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp (TVPTCN) được các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương tích cực thực hiện với 260 dự án, doanh thu đạt 10,24 tỷ đồng. Nội dung TVPTCN chủ yếu trong các lĩnh vực như: Tư vấn xây lắp điện, năng lượng; tư vấn thiết kế, giám sát công trình xây lắp; lập quy hoạch chi tiết cụm, điểm công nghiệp và các dịch vụ khác.

Theo kế hoạch năm 2022, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương đặt mục tiêu thực hiện TVPTCN được 264 dự án, doanh thu cao hơn 33,77% so với thực hiện năm 2021. 9 tháng đầu năm 2022 đã tư vấn cho 128 dự án, với doanh thu ước đạt 6,73 tỷ đồng, đạt 49,16% kế hoạch năm. 

Tại Hội nghị các đại biểu đều thống nhất hoạt động khuyến công khu vực phía Bắc năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình. Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công ở nhiều địa phương có chuyển biến tích cực. Các hoạt động khuyến công nhất là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến... tiếp tục được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh đã góp phần gia tăng giá trị sản xuất CNNT; hỗ trợ khuyến khích các cơ sở CNNT thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; tạo niềm tin cho các cơ sở CNNT có sự nhìn nhận tích cực về hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 . 

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc còn có một số hạn chế cần được khắc phục, như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, có nơi mang tính thủ tục; một số đơn vị chưa theo sát tình hình sản xuất của các cơ sở CNNT dẫn đến đề án phải ngừng hoặc điều chỉnh. Hầu hết các địa phương còn chưa mạnh dạn xây dựng đề án điểm có quy mô, tạo tính lan tỏa và phát huy lợi thế cạnh tranh. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí tăng cường ngân sách cho hoạt động khuyến công...

Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác khuyến công tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc thời gian qua, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác khuyến công trong thời gian tới. 

Hoạt động khuyến công tiếp tục đổi mới, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm
 
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục CTĐP Ngô Quang Trung nhấn mạnh: Để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2022, các địa phương, đơn vị cần tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị trong hoạt động khuyến công; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đề án khuyến công, đảm bảo sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích. 

Đề nghị trong thời gian tới, Sở Công Thương các địa phương trong Khu vực tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hoạt động khuyến công gắn liền với các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Chính phủ và điều hành tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện, xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công. 

Đồng thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm, đề án hỗ trợ cơ sở CNNT có sản phẩm CNNT tiêu biểu đạt giải cấp khu vực, cấp quốc gia, đảm bảo có sự liên kết, có tác động lan tỏa, tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của vùng, địa phương. Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2023, chú trọng nhiệm vụ hoàn thành Chương trình khuyến công giai đoạn 2021- 2025;  
Tăng cường công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với bối cảnh tình hình mới. đẩy mạnh thông tin truyền thông về cơ chế, chính sách và thực tế triển khai các hoạt động khuyến công chú trọng đánh giá hiệu quả, lợi ích mang lại từ các nội dung hoạt động khuyến công đối với cơ sở CNNT. Tìm và giải quyết điểm nghẽn để đẩy mạnh hoạt động TVPTCN, tạo sự chủ động linh hoạt về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về khuyến công trong bối cảnh các đơn vị đang dần tự chủ về kinh phí hoạt động. Nghiên cứu phát triển các hình thức tư vấn khác nhau để đẩy mạnh công tác khuyến công hiệu quả và thực chất.

Cũng tại Hội nghị, toàn thể đại biểu thống nhất đề nghị trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVII, năm 2023 cho Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh. 


 
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh nhận cờ đăng cai tổ chức Hội nghị năm 2023

Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVI, năm 2022 nhằm mục đích đánh giá kết quả hoạt động khuyến công năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, đồng thời là dịp để các Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công các tỉnh, thành phố được cùng nhau trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác khuyến công; tìm những giải pháp, biện pháp khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, thực hiện kế hoạch năm 2023 cũng như chương trình khuyến công giai đoạn 2021 – 2025.


ARIT-MOIT