Trong đó, thực hiện đề án đào tạo nghề nông thôn được Trung tâm triển khai đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong các năm trước đây, xu hướng lao động thường tìm việc làm ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh phía Nam hoặc phía Bắc. Tuy nhiên, hiện nay xu thế “ly nông bất ly hương” đang phát triển, rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc nhà xưởng để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào trên địa bàn, đặc biệt là đầu tư xây dựng các nhà máy may công nghiệp. Mặt khác, Quảng Bình có lợi thế về đánh bắt thủy hải sản trên biển, lực lượng này cần được đào tạo nghề và hướng nghiệp để đảm bảo cuộc sống.
Khó khăn lớn nhất của Quảng Bình là lao động nông thôn trên địa bàn hầu hết có trình độ thấp hoặc chưa qua đào tạo. Công tác đào tạo nghề của địa phương gặp nhiều khó khăn. Đa số lao động nông thôn có nhận thức, trình độ học vấn còn hạn chế, bản thân người lao động chưa nhận thức được việc học nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống nên chưa quan tâm. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động, cần có lực lượng lao động tại chỗ để đảm bảo hoạt động sản xuất.
Từ thực tế đó, việc thực hiện đề án đào tạo nghề may công nghiệp thuộc chương trình khuyến công quốc gia ở Quảng Bình là một trong những đề án mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động và chính quyền địa phương. Từ năm 2017, các đề án này đã được triển khai và tiếp tục là nội dung được khuyến công Quảng Bình nỗ lực thực hiện trong năm 2018. Để thực hiện đề án, Trung tâm đã phối hợp với các bên liên quan vận động, thuyết phục và mời gọi các lao động đăng ký tuyển sinh, hoàn thành khóa đào tạo và được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai đề án, một số lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề, được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc theo dạng khoán sản phẩm, do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm làm ra ít dẫn đến mức lương ban đầu chưa cao, tạo tâm lý “đứng núi này trong núi nọ”. Trung tâm cũng đã phối hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp động viên người lao động tiếp tục làm việc. Sau thời gian đầu khó khăn, nhiều lao động hiện nay đã có tay nghề cao tạo được thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống gia đình.
Với việc triển khai hiệu quả Đề án đào tạo nghề may cho lao động nông thôn đã góp phần giúp doanh nghiệp trên địa bàn có được lao động đã qua đào tạo, giúp cho lao động nông thôn thành thạo trong nghề may công nghiệp, có làm việc, thu nhập ổn định trên chính quê hương mình. Đồng thời, giúp cho lao động nông thôn từng bước gắn kết với doanh nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Bình.
TBT