Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Nam Định, Quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, trên địa bàn Tỉnh có 44 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 697,39 ha. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 20 CCN đã được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích đất là 334,71 ha, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch chi tiết là 214,65 ha; diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 197,88 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN là 92%; các CCN này đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, trên địa bàn chỉ có 03 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung (CCN An Xá, CCN Xuân Tiến, CCN Tống Xá). Các CCN hoạt động thu hút được 471 dự án đầu tư và tạo việc làm cho trên 18.300 lao động địa phương.

Công tác phát triển CCN trên địa bàn đã được UBND tỉnh Nam Định quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cung cấp các dịch vụ điện, nước…, đáp ứng cơ bản cho việc đầu tư, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Hằng năm, các doanh nghiệp hoạt động trong các CCN đã đóng góp vào ngân sách tỉnh và địa phương; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung; tăng thu nhập cho người lao động.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về CCN trên địa bàn tỉnh Nam Định còn những  hạn chế như: Quy hoạch phát triển các CCN trên địa bàn chưa thực sự sát yêu cầu thực tế; công tác thống kê, báo cáo đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như dự án đầu tư vào CCN chưa được tập trung, thống nhất; đối với các Trung tâm phát triển CCN cấp huyện do thiếu quy chế thống nhất, cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng hạ tầng kỹ thuật CCN, nên thời gian qua hoạt động chưa hiệu quả và thống nhất trong toàn Tỉnh. Bên cạnh đó, việc phân bố CCN theo quy hoạch đã được phê duyệt chưa sát với yêu cầu thực tế tại các địa phương: Nhiều địa phương cần xây dựng CCN để đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng lại không có danh mục quy hoạch CCN trong khi một số CCN nằm trong danh mục quy hoạch thì lại không thể thu hút đầu tư; thiếu hành lang pháp lý để quản lý việc thành lập, đầu tư xây dựng.

Để xử lý các vấn đề khó khăn, tồn tại liên quan đến quản lý, quy hoạch CCN thời gian qua, ngày 04/4/2017, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 630/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 nhằm giúp quy hoạch các CCN phát triển đúng hướng, bền vững và hiệu quả; hoạch định không gian phát triển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng một cách hợp lý, tiết kiệm; thực hiện quản lý chặt chẽ, đúng quy định về hình thành, phát triển CCN trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.

Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch: Đến năm 2020, thu hút thêm khoảng 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào CCN; tạo thêm việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Theo đó, đến năm 2020: Tiếp tục quy hoạch 20 CCN đã thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích 419,17 ha; Điều chỉnh mở rộng 08 CCN với diện tích 129,9 ha; Bổ sung 13 CCN với diện tích 234,2 ha; Đưa ra khỏi quy hoạch 10 CCN với diện tích 121,73 ha. Giai đoạn 2021-2025: Xây dựng mới 06 CCN đã có trong Quy hoạch với tổng diện tích 128,1 ha; Bổ sung 09 CCN với diện tích là 250 ha; Điều chỉnh mở rộng 23 CCN với diện tích 426,7 ha.

Quyết định cũng đã đưa ra một số giải pháp, chính sách nhằm phát triển CCN và thu hút các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh như: Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch; về vốn đầu tư; về cơ sở hạ tầng; về thu hút đầu tư vào CCN; về đào tạo và sử dụng lao động; giải phóng mặt bằng và tái định cư; về bảo vệ môi trường; ...

 

Nguyễn Thị Hương

Tin đã đăng