Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như một công cụ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng.

Cho tới nay, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế, nền kinh tế nước ta đã hội nhập rất sâu, rộng thể hiện ở việc tham gia WTO và 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc thực hiện cam kết trong WTO và các Hiệp định FTA đã tạo ra cơ hội to lớn cho nền kinh tế nhưng cũng đặt các ngành sản xuất của ta trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của hàng hoá nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước trong khu vực.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Việt Nam đã và đang phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) như một công cụ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng. Đây là nhóm gồm các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ mà WTO và các Hiệp định FTA cho phép áp dụng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và công ăn việc làm, đảm bảo an ninh kinh tế và an sinh xã hội. Cùng với diễn biến phức tạp của kinh tế khu vực và toàn cầu, chính sách bảo hộ thương mại của một số nền kinh tế lớn đang gia tăng và xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài, các nước trên thế giới cũng đang tăng cường sử dụng các biện pháp PVTM để đối phó với tình trạng nhập khẩu.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã và đang sát cánh cùng doanh nghiệp làm việc với cơ quan quản lý các nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hàng hóa xuất khẩu của ta.

Nỗ lực tăng cường sử dụng công cụ PVTM để ổn định sản xuất cũng như ứng phó với các biện pháp do nước ngoài áp dụng trong thời gian qua đã có những điểm nhấn đáng chú ý sau:

Hoàn thiện cơ sở pháp lý về PVTM phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Trên cơ sở quy định của WTO và các Hiệp định FTA, Việt Nam đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý về việc áp dụng các biện pháp PVTM, bao gồm:

- Luật Quản lý Ngoại thương số 05/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2017;

- Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý ngoại thương về các biện pháp PVTM;

- Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP về các biện pháp PVTM (Bộ Công Thương hiện đang xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 06/2018/TT-BCT để kịp thời cập nhật những vấn đề phát sinh trong thực tế triển khai hoạt động quản lý nhà nước về PVTM);

- Thông tư số 19/2019/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2019 của Bộ Công Thương hướng dẫn áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Như vậy, hệ thống văn bản pháp luật về PVTM của ta về cơ bản đã khá đầy đủ, phù hợp với cam kết quốc tế để thực hiện công tác về PVTM nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho sản xuất trong nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng.

Sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ, xây dựng và phát triển năng lực sản xuất trong nước, bảo đảm việc làm cho người lao động

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 15 vụ việc PVTM, trong đó gồm: 08 vụ việc chống bán phá giá, 06 vụ việc tự vệ và 01 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ. So với con số hơn 150 vụ việc mà các nước đã điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì con số 15 vụ việc vẫn còn khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do chủ trương khuyến khích tự do hóa thương mại của ta và Việt Nam chỉ áp dụng các biện pháp PVTM trong trường hợp thật sự cần thiết trên cơ sở kết quả điều tra đảm bảo các quy định pháp luật. Cho đến nay, các biện pháp PVTM đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài ra, thuế PVTM còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng cũng như bảo vệ cho hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trong nước với ước tính chiếm khoảng 6,8% tổng GDP Việt Nam năm 2018. Một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như Công ty Phân bón DAP-Vinachem (Đình Vũ-Hải Phòng), Công ty Thép Việt Trung, Công ty Thép Việt Ý, Công ty Thép Pomina… Công ty Cổ phần DAP-Vinachem và Công ty Thép Việt Trung đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương.

Các biện pháp PVTM vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu (đặc biệt đối với các hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế như sắt thép, phân bón, v.v), góp phần thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 28 tháng 3 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 755/QĐ-BCT về Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngày công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025. Chương trình tổng thể này, cùng với các văn bản pháp luật liên quan, sẽ tạo nền tảng cho việc triển khai các chính sách, biện pháp về PVTM phù hợp với cam kết quốc tế để phát triển các ngành sản xuất trong nước, thực hiện thành công các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Trong quá trình áp dụng các biện pháp PVTM, những quan ngại về việc khan hiếm hàng hóa, hàng hóa tăng giá do thuế hay việc giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng được Bộ Công Thương theo dõi, xử lý thông qua giám sát diễn biến giá và rà soát định kỳ để điều chỉnh biện pháp cho phù hợp thực tiễn. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp PVTM được áp dụng (như thép Hòa Phát, tôn Đông Á, DAP-Vinachem…) cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế vẫn được đảm bảo. Trên thực tế, tất cả các biện pháp PVTM (cả chống bán phá giá và tự vệ) đều chỉ áp dụng với một số quốc gia và vùng lãnh thổ nhất định. Do đó, hàng hóa có xuất xứ từ các nước/vùng lãnh thổ còn lại vẫn có thể nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế và cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước. Xét một cách tổng thể, các biện pháp PVTM kịp thời do Bộ Công Thương áp dụng đã góp phần ngăn chặn những tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh. Như vậy, các nỗ lực của Bộ Công Thương về PVTM đã góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội đề ra.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc PVTM của nước ngoài

Tính đến hết tháng 9 năm 2019, đã có 154 vụ việc PVTM được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (30 vụ, chiếm 19%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); thứ ba là Ấn Độ (20 vụ, chiếm 13%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 9%). Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (87 vụ việc, chiếm 56%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (33 vụ, chiếm 21%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (15 vụ việc, chiếm 10 %).

Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều hoạt động như:

(i) Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp PVTM áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM; kịp thời thực hiện các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình.

(ii) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi xướng, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng; hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các biện pháp PVTM, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, có dấu hiệu vi phạm quy định của WTO.

(iii) Cung cấp thông tin cập nhật, kịp thời để các doanh nghiệp, ngành sản xuất có định hướng đầu tư, kinh doanh phù hợp trong bối cảnh các biện pháp mang tính chất bảo hộ đang diễn biến phức tạp.

(iv) Thường xuyên trao đổi, tham vấn với các cơ quan điều tra PVTM trên thế giới trong các vụ việc cụ thể để doanh nghiệp xuất khẩu của ta được đối xử công bằng. Ngoài ra, kết quả điều tra của các cơ quan chức năng nước ngoài cũng được Bộ Công Thương phối hợp cùng doanh nghiệp nghiên cứu kỹ nhằm đảm bảo nước điều tra tuân thủ quy định WTO cũng như các FTA đã ký kết với ta (nếu có).

Nhờ đó, Việt Nam đã thu được một số kết quả khả quan trong các vụ việc trên, cụ thể: (i) kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp) đối với 57/137 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 42%; (ii) khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực), 2 vụ đang trong quá trình xét xử. Với kết quả tích cực này, mặc dù nhiều hàng hóa đã bị điều tra PVTM nhưng vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu và một số trường hợp còn gia tăng thị phần tại nước nhập khẩu.

Quyết liệt chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh thuế

Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, đặc biệt đang thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP, Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu-EVFTA, một mặt ta cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất thông thoáng nhằm nắm bắt cơ hội từ các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực mà ta có lợi thế so sánh, có chủ trương khuyến khích đầu tư. Mặt khác, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu. Yêu cầu này ngày càng trở nên cấp thiết khi xu thế bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, xung đột thương mại Mỹ-Trung diễn biến phức tạp.

Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ là hành vi hàng hóa lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước khác nhằm hưởng ưu đãi thuế hoặc tránh phải đóng mức thuế phòng vệ thương mại (thường là rất cao) của nước nhập khẩu. Hành vi lẩn tránh bất hợp pháp phổ biến nhất là thực hiện gia công rất đơn giản với hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể hoặc thậm chí chỉ chuyển tải, trung chuyển ở Việt Nam nhưng vẫn kê khai xuất xứ Việt Nam.

Trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là diễn biến xung đột thương mại Mỹ - Trung, số lượng các biện pháp bảo hộ đang tăng nhanh, đặc biệt là các biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với việc áp dụng các biện pháp PVTM thì xu thế điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng (cho tới nay đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu của ta).

Nhằm ứng phó với các hệ quả phát sinh, góp phần khai thác hiệu quả, bền vững các Hiệp định FTA, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ (Đề án 824). Mục tiêu của Đề án bao gồm: (i) nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, bảo đảm thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết; (ii) nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hiện tượng Việt Nam bị lợi dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba, theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu; (iii) bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính của Việt Nam. Việc ban hành Đề án này khẳng định quan điểm của Việt Nam quyết tâm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh bất hợp pháp các biện pháp PVTM và định hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu theo hướng bền vững, được các đối tác thương mại đánh giá cao.

Ngay sau khi Đề án Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan quyết liệt triển khai các nhiệm vụ nêu trong Đề án, cụ thể là:

- Thành lập Tổ công tác liên ngành về phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ hàng hóa và ban hành Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Tổ;

- Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương để triển khai Đề án 824, trong đó chú trọng vào công tác theo dõi, giám sát và cảnh báo với những mặt hàng có nguy cơ cao, đồng thời lên kế hoạch tiếp tục triển khai kiểm tra thực tế các trường hợp nghi ngờ lẩn tránh xuất xứ, thắt chặt việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (đối với các thị trường đòi hỏi C/O), tăng cường hợp tác với các nước liên quan trong các hoạt động chống lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận xuất xứ...

- Ban hành Danh mục hàng hóa cảnh báo sớm theo Đề án gồm 25 mặt hàng xuất khẩu sang 03 thị trường Hoa Kỳ, EU và Ca-na-đa. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên. Danh sách này cũng sẽ được mở rộng cả về mặt hàng và thị trường tùy theo tình hình thực tiễn.

- Rà soát, xem xét sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quản lý, xử phạt, đặc biệt đối với một số mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh, gian lận cao như gỗ dán, thép, nhôm, v.v.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp cụ thể có nghi vấn về gian lận.

- Chủ động cung cấp thông tin cho các đối tác thương mại lớn (như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc) về công tác phòng chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ và trao đổi với các cơ quan liên quan của Hoa Kỳ đề xuất xây dựng cơ chế cung cấp thông tin, phối hợp giữa hai bên trong quá trình đấu tranh với hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ. Phía Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác, chia sẻ thông tin, tuyên truyền phổ biến để nâng cao hiệu quả xử lý vấn đề lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Bộ Công Thương cũng đang tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị Quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Với những biện pháp quyết liệt đang được Bộ triển khai phối hợp với các cơ quan chức năng khác, những hành vi cố tình làm giả hoặc gian dối về xuất xứ sẽ bị xử lý nghiêm minh, không để ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chân chính.

 

Nguồn: moit.gov.vn