Theo kế hoạch, các đơn vị thuộc tỉnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phát triển hạ tầng thương mại biên giới; tích hợp các nội dung liên quan đến hạ tầng thương mại biên giới vào quy hoạch chung của tỉnh; thu hút, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới, trong đó chú trọng thu hút đầu tư các trung tâm, khu tổ hợp dịch vụ logistics tại khu vực cửa khẩu Lóng Sập, Chiềng Khương nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu; khuyến khích phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển thương mại biên giới; xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển thương mại biên giới.
Thông qua kế hoạch, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La giao Sở Công Thương là cơ quan chủ trì theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch này; chủ trì khảo sát, đánh giá, thống kê hiện trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về hạ tầng thương mại khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh quyết định, công bố Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.
Sở Công Thương cũng có nhiệm vụ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát cập nhật các dự án hạ tầng thương mại biên giới vào danh mục các dự án thu hút đầu tư và quy hoạch chung của tỉnh; khuyến khích phát triển trung tâm, kho tổ hợp dịch vụ logistics tại khu cửa khẩu quốc gia Lóng Sập - huyện Mộc Châu và cửa khẩu Chiềng Khương – Sông Mã nhằm tạo điều kiện cho việc xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Lào; phối hợp với Sở Ngoại vụ và các tỉnh của Lào, mời doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của Lào sang tham gia hội chợ tại Sơn La…
Chi tiết Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Sơn La xem tại đây.
TTCN-ARIT