
Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, cùng với những điều kiện thuận lợi mới đang được hình thành như: đầu tư các tuyến đường giao thông, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế Xà Xía, phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao Phú Quốc ..... đã kết nối Kiên Giang với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, TP.HCM, TP. Cần Thơ tạo thành mối liên kết vùng rất quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng. Hiện tại, tỉnh Kiên Giang đã qui hoạch 6 khu công nghiệp (KCN), đang mời gọi các nhà doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và nước ngoài, đầu tư như:
KCN Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, có diện tích 250 ha, nằm bên bờ kênh Cái Sắn, là tuyến đường sông nối thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ với cảng biển Hòn Chông - Kiên Lương - Hà Tiên nằm cặp tuyến quốc lộ 80, cách sân bay Rạch Giá 2 km và cách trung tâm thành phố Rạch Giá 10 km. KCN Thạnh Lộc ưu tiên thu hút đầu tư cho các ngành chế tạo cơ khí, lắp ráp thiết bị điện, điện tử, chế biến nông sản, chế biến vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp chế biến khác.
KCN Tắc Cậu, huyện Châu Thành, có diện tích là 68 ha, nằm cặp bên sông Cái Bé, là tuyến đường sông nối với sông Cái Lớn ra biển; cách quốc lộ 61 khoảng 1 km, cách sân bay Rạch Giá 15 km và cách trung tâm thành phố 20 km. KCN Tắc Cậu có chức năng dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến thủy sản, là đầu mối giao lưu hàng hoá thủy hải sản của tỉnh Kiên Giang.
KCN Thuận Yên, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, có diện tích 141 ha, nằm cặp tuyến kênh đường thủy phía Nam nối thành phố Hồ Chí Minh và cửa khẩu quốc tế Xà Xiá - thị xã Hà Tiên, cách cảng biển Hòn Chông khoảng 30 km; cặp đường Hà Giang nối Kiên Giang với An Giang và cách quốc lộ 80 khoảng 5 km. KCN Thuận Yên mời gọi đầu tư các ngành nghề như: chế tạo cơ khí, lắp ráp thiết bị điện, điện tử, dệt may, chế biến nông sản, thủy hải sản đông lạnh, sản phẩm đóng hộp, chế tạo vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp chế biến khác.
Ngoài các KCN trên, tỉnh Kiên Giang còn có thêm 3 KCN mới được phê duyệt như KCN Kiên Lương 2, diện tích 100 ha; KCN Xẻo Rô, huyện An Biên, diện tích 200 ha. Định hướng phát triển của 2 KCN này là đóng tàu, chế biến vật liệu xây dựng. (Riêng KCN nhà máy nhiệt điện và sản xuất - dịch vụ khác ở huyện Kiên Lương, do Tập đoàn Tân Tạo đầu tư).
Các KCN này, là tiềm năng và cơ hội cho doanh nghiệp các thành phần kinh tế đầu tư vào Kiên Giang, sẽ tạo ra giá trị sản xuất mới, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho từng địa phương trong tỉnh; giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động có thu nhập ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn qui hoạch của ngành công nghiệp tỉnh nhà từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020./.
Nguyễn Thành Long
(TTKC&TVPTCN KIÊN GIANG)