Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia cao hơn cả nước, tuy nhiên, Đồng Tháp vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương với UBND tỉnh Đồng Tháp diễn ra sáng ngày 1/12. Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương ) chủ trì buổi làm việc.

Vẫn còn vướng mắc trong giải ngân vốn

Thông tin với Đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Cẩn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp cho hay, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 489,561 tỷ đồng; đến nay, đã giải ngân 392,753 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80,23%; trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ giải ngân 68,71%; vốn ngân sách địa phương đối ứng đạt tỷ lệ giải ngân là 86,13%.

Tính đến tháng 10/2023, đã có 5 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới/đạt chuẩn huyện nông thôn mới; ước đến cuối năm 2023, có thêm 3 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mớiđạt tỷ lệ 80% so với chỉ tiêu đề ra. Như vậy, hiện tại tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu này. 115/115 xã đạt 99,99% tiêu chí điện và 100% đạt tiêu chí chợ.

Tính đến tháng 10/2023, có 94,78% (109/115 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt và vượt 5,18% so với chỉ tiêu. Ước đến cuối năm 2023, có 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Như vậy, hiện tại tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu này.

Cũng tính đến tháng 10/2023, đã có 16,5% (18/115 xã) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt và vượt 6,8% so với chỉ tiêu. Ước đến cuối năm 2023, lũy kế có 34 xã đạt chuẩn, đạt 29,56%. Như vậy khả năng đến năm 2025, tỉnh hoàn thành vượt chỉ tiêu này.

Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) chủ trì buổi làm việc
Ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) chủ trì buổi làm việc

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là 70,777 tỷ đồng, đã giải ngân 47,070 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,5%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đạt tỷ lệ giải ngân là 69,68%. Vốn ngân sách địa phương đối ứng đã giải đạt tỷ lệ 37,33%. Ước đến hết năm 2023 giải ngân 59,419 tỷ đồng, đạt 83,95%, trong đó, vốn đầu tư phát triển 5,341 tỷ đồng, đạt 100%; vốn sự nghiệp 54,078 tỷ đồng, đạt 82,64%.

Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 được báo cáo từ Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,65% từ 2,17% đầu năm xuống còn 1,52% theo chuẩn Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ (vượt chỉ tiêu Nghị quyết giao là 0,4%); thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,3 lần so với cuối năm 2020.

xuất phát đi khảo sát thực tế
Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương khảo sát thực tế mô hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành Đồng Tháp cũng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, nổi bật là việc vướng giải ngân một số tiểu dự án trong chương trình giảm nghèo bền vững.

Cụ thể, với Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hiện chưa có Nghị quyết quy định định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NQ-CP của Chính phủ, dẫn đến một số địa phương ngần ngại giải ngân. Nguyên nhân là do cơ chế quy định định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án được ban hành vào thời điểm giữa năm, dẫn đến không đủ thời gian tham mưu ban hành Nghị quyết.

Tiểu Dự án 1, Dự án 3 về phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp vướng các quy định về văn bản hướng dẫn (vướng quy định tại Quyết định số 305/QĐ-UBND-HC ngày 17/3/2023). Đồng thời, khi ban hành Quyết định số 1054/QĐ-UBND-HC ngày 13/10/2023 sửa đổi Quyết định số 305/QĐ-UBND-HC thì đã vào thời điểm cuối năm nên gặp khó khăn trong công tác tổ chức đấu thầu thực hiện dự án.

Tiểu Dự án 2, Dự án 3 về Cải thiện dinh dưỡng: giải ngân đến tháng 11 chỉ đạt 31,51%, đến hết năm khó giải ngân 100% do số lượng trẻ em bị suy dinh dưỡng ít, dẫn đến không sử dụng hết nguồn kinh phí được giao để mua sắm các sản phẩm dinh dưỡng, đa vi chất.

Tiểu Dự án 1, Dự án 4 về dạy nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có thu nhập thấp, giải ngân đến tháng 11 chỉ đạt 5,4%, đến hết năm khó giải ngân 100%, nguyên nhân giải ngân thấp là do đối tượng học nghề thuộc dự án ít (ngày càng giảm qua từng năm do thoát nghèo), nhu cầu học nghề của các đối tượng thấp, đối tượng học nghề trùng với đối tượng tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg. Đồng thời rất khó để vận động đủ số lượng để mở lớp dạy nghề chỉ gồm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có thu nhập thấp (Hiện nay Trung ương chưa ban hành tiêu chí hộ thu nhập thấp).

Cần phải nâng cao chất lượng các tiêu chí

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá cao những kết quả trong việc triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong năm nay. “Đồng Tháp không chỉ đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn mà còn đưa sản phẩm đến nhiều Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc”.

Trong lĩnh vực của ngành Công Thương, cụ thể là Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (Tiêu chí số 7), bà Lê Việt Nga đánh giá, việc triển khai thực hiện tiêu chí này rất thực chất, cách làm quy củ, đã xây dựng các chợ nông thôn đạt tiêu chuẩn như Bộ Công Thương hướng dẫn tại Quyết định số 1214/QĐ-BCT ngày 22/6/2022 của Bộ Công Thương.

Các đại biểu tham quan mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Tháp
Các đại biểu tham quan mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm tỉnh Đồng Tháp

Đây là những mô hình có thể triển khai nhân rộng trên địa bàn. Đồng thời, đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong việc gắn kết giữa Trung ương và địa phương hướng dẫn, triển khai các chủ trương đường lối, quy định mà Trung ương đã đưa ra, tránh được tình trạng Trung ương đã hướng dẫn nhưng địa phương lại chưa tiếp cận được thông tin.

“Chúng tôi đánh giá cao về công tác huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc xây dựng chợ nông thôn, việc phát triển các chợ nông thôn sẽ tạo điều kiện hỗ trợ tiêu thụ đầu ra cho các sản phẩm trên địa bàn”, bà Lê Việt Nga cho hay.

Đến nay, Đồng Tháp có 357 sản phẩm OCOP. Đồng Tháp cũng có trang web riêng để quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Tuy nhiên, bà Lê Việt Nga cho rằng, việc có thêm thông tin về chỉ dẫn mạng lưới bán buôn, bán lẻ các sản phẩm OCOP của địa phương thì sản phẩm sẽ không chỉ tiếp cận được gần hơn người tiêu dùng trong nước mà còn tiếp cận được đến các nhà thu mua, xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài.

Liên quan đến đầu ra cho các sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) thông tin thêm, Đồng Tháp có các sản phẩm OCOP cơ bản là tốt, số lượng lớn, tuy nhiên, hiện nay, giá trị bán hàng trực tuyến trên địa bàn còn những hạn chế nhất định. Đây cũng là những vấn đề mà các địa phương xa trung tâm đang gặp phải. Do đó, vấn đề đặt ra cho địa phương lúc này là làm thế nào để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trong môi trường trực tuyến.

Đánh giá cao kết quả đạt được của địa phương trong việc triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) cũng lưu ý đến các vấn đề an toàn thực phẩm tại chợ nông thôn. Bên cạnh đó là cách thức marketing các sản phẩm OCOP.

Ông Ngô Quang Trung cũng đề nghị địa phương quan tâm chỉ đạo sâu sát các chương trình. “Chương trình nông thôn mới, hệ thống chính trị vào cuộc rất mạnh, tuy nhiên, chương trình dân tộc thiểu số và giảm nghèo bền vững thì không phải toàn bộ các cấp, các ngành có sự quan tâm thường xuyên, liên tục”, ông Ngô Quang Trung nêu vấn đề.

Triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Đồng Tháp còn vướng mắc gì?

Tính đến thời điểm hiện nay, số xã đạt nông thôn mới trên địa bàn Đồng Tháp cao hơn bình quân của cả nước, tuy nhiên, ông Ngô Quang Trung cũng đề nghị địa phương tập trung chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

“Việc triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, bên cạnh về số lượng thì cần phải nâng cao về chất lượng. Việc triển khai thực hiện chương trình phải đi vào thực chất, để người dân là người thực sự được thụ hưởng”, ông Ngô Quang Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Ngô Quang Trung, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia mang ý nghĩa chính trị rất lớn, do đó, đề nghị địa phương đẩy mạnh phối hợp với cơ quan truyền thông trung ương và địa phương trong công tác tuyên truyền.

Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lắng nghe, ghi chép đầy đủ các giải đáp, trả lời của Thành viên Đoàn công tác để nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Đối với các kiến nghị liên quan đến Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp thu và nghiên cứu có hướng xử lý cho địa phương. Đối với các kiến nghi vượt thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo Trung xem xét, chỉ đạo, quyết định.

Chiều nay (1/12), Đoàn công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Công Thương do ông Ngô Quang - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương tiếp tục có cuộc làm việc với tỉnh An Giang./.

 

Nguồn: congthuong.vn

Sưu tầm: Hải Đăng