Sau khi nghe UBND tỉnh Thanh Hoá báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và kết quả hoạt động ngành Công Thương của Tỉnh 6 tháng đầu năm 2018, ý kiến các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa; ý kiến của Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao giá cao sự năng động, sáng tạo, chủ động, qua đó thể hiện vai trò chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền và nỗ lực của nhân dân tỉnh Thanh Hoá với việc đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội (các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều duy trì tăng trưởng và ổn định trong nhiều năm), nhất là lĩnh vực công nghiệp, thương mại của Tỉnh trong thời gian qua. Trong 6 tháng đầu năm 2018, so với cùng kỳ năm 2017, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,85%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,6%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,64%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,5%, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng 26,4%.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Báo cáo phục vụ buổi làm việc của UBND tỉnh Thanh Hoá và giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Tỉnh liên quan đến lĩnh vực quản lý của đơn vị mình. Tuy nhiên để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới, Bộ trưởng gợi ý định hướng một số nội dung: Bộ Công Thương ủng hộ và sẽ phối hợp với tỉnh Thanh Hóa tiếp tục định hướng phát triển mang tính bền vững để đạt được các mục tiêu đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất công nghiệp. Tỉnh cần đẩy mạnh thu hút đầu tư mới, ứng dụng công nghệ mới hiện đại và thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng cao đối với địa phương.
Bộ cũng ủng hộ các định hướng của Tỉnh về phát triển đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn, có tính liên kết và lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; thu hút nguồn lực cả trong nước và nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp, có tính lan tỏa đồng thời cũng phải quan tâm đến các ngành công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân trong Tỉnh và đặc biệt tạo sự gắn kết hơn nữa giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước trên địa bàn Tỉnh. Vì vậy, bên cạnh hoàn thiện các thể chế, cần phải nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp để khai thác được các cơ hội của hội nhập quốc tế.
Tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách hành chính, đảm bảo năng lực thể chế của Tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đối với các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương đã xoá bỏ, đề nghị Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá tham mưu Tỉnh tổ chức thực hiện để hỗ trợ cho các doanh nghiệp một cách kịp thời. Tỉnh cần tính toán đến khả năng liên kết với các địa phương trong vùng và cả nước khi triển khai các dự án công nghiệp, hạ tầng thương mại, logistics, năng lượng… hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và khu vực. Bộ Công Thương sẽ phối hợp xây dựng các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch vùng.
TBT