TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP - LÀNG NGHỀ
Yên Thành là xã miền núi, nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Nơi đây có làng gốm Bồ Bát - được xem là làng nghề gốm sứ thuở sơ khai, là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng ngày nay.

Làng gốm Bồ Bát (thời xưa thuộc phủ Trường Yên) nổi danh với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các nghệ nhân tài hoa của làng sáng tạo nên. Nơi đây có loại đất sét Bồ Di còn gọi là đất non sương rất quý hiếm. Loại đất này có đặc điểm tạo nên dòng men trắng, chỉ cần nung 50-70% thời gian so với các loại đất khác nhưng vẫn bảo đảm chất lượng về độ mịn, cứng, sau khi nung sản phẩm ít bị nứt, vỡ hơn so với các loại đất sét khác.

Để sản xuất ra các sản phẩm gốm Bồ Bát, nguồn nguyên liệu quan trọng nhất là đất sét trắng. Loại đất sét này được lấy ở các đồi xung quanh khu vực xã Yên Thành. Đất sét phải được xử lý để loại bỏ các tạp chất chứa trong nó. Đến Khâu tạo dáng là khâu đặc biệt quan trọng trong quy trình sản xuất. Từ những mảng đất đã được xử lý, người thợ bắt đầu truyền cho mỗi sản phẩm một hình dáng riêng biệt.

Sản phẩm sau khi tạo dáng còn ướt và rất dễ biến dạng, do đó phải tiến hành phơi sản phẩm sao cho khô đều, không bị nứt nẻ, không làm thay đổi hình dáng sản phẩm. Sau đó, người thợ tiến hành sửa, gọt, cạo nhẵn… theo ý muốn. Các chi tiết khác như: quai, tai hoặc trang trí các hình động vật nổi, hoa lá… Tất cả đều được thực hiện ở công đoạn này. Khắc vạch là phương pháp trang trí hoa văn chủ yếu. Người thợ gốm vẽ hoặc khắc vạch trực tiếp lên sương gốm sau đó đem nung.

Đối với sản phẩm gốm, nước men gốm là nguyên liệu rất quan trọng. Thông thường, để làm được một nước men hoàn chỉnh cần thời gian luyện khoảng một tuần. Kỹ thuật tráng men có nhiều hình thức như phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ nhưng thông dụng là hình thức láng men ngoài sản phẩm, gọi là “kìm men”. Sau đó, người thợ gốm tiến hành tu chỉnh lại sản phẩm một lần cuối trước khi đưa vào lò nung.

Nung đốt sản phẩm gốm là công đoạn quan trọng nhất quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Các sản phẩm của xưởng gốm Bồ Bát được nung ở nhiệt độ 3000oC với nguyên liệu đất sét độ đáo, đã tạo nên một loại gốm không có nồng độ chì, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, cũng như giữ được nét đặc trưng, độ bền bóng của men, hạn chế sứt mẻ.

Nhớ thở "trên bến, dưới thuyền"

Làng gốm cổ Bồ Bát xưa, nay là làng Bạch Liên, thuộc xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình có hàng nghìn năm lịch sử, nổi danh với nhiều sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo và tinh tế. Điều này đã được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung, mảnh gốm ken dày đặc được tìm thấy rất nhiều ở vùng này.

Khác với việc sử dụng chất liệu đất sét vàng như gốm Gia Thủy, thuộc huyện Nho Quan của Ninh Bình, gốm cổ Bồ Bát được làm bởi nguồn đất sét trắng quý hiếm chỉ ở vùng này mới có.

Thời kỳ hưng thịnh của gốm Bồ Bát là giai đoạn các triều đại nhà Đinh, tiền Lê, Lý đóng đô ở đất Hoa Lư, đa phần người dân hai làng Bồ Xuyên và Bạch Bát sống bằng nghề gốm, những sản phẩm của làng gốm Bồ Bát rất được thịnh hành. 

Những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp để tiến vua như gạch đất nung “Đại Việt quốc quân thành chuyên” - loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng... Những sản phẩm của làng gốm Bồ Bát vinh dự được cung tiến vua Đinh nên làng từ đó có tên là Bát Cống.

Theo sử sách ghi lại, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La đã mang theo 5 dòng họ lớn của Bồ Bát nhằm xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã định cư tại vùng đất ven sông Hồng, lập nên làng nghề gốm Bát Tràng ngày nay.

Sau khi những người thợ gốm giỏi về Thăng Long, làng gốm Bồ Bát bấy giờ chỉ còn ít người giữ được nghề. Đến thế kỷ XVII hầu như nghề gốm của làng bị lãng quên theo thời gian, và mai một, thất truyền từ đó.

Diệu kỳ hồi sinh

Tưởng chừng nghề gốm Bồ Bát bị "thất truyền” sau cả một quãng thời gian dài, nhưng đã được nghệ nhân Phạm Văn Vang - người con của đất Bạch Liên (sinh năm 1981, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã tìm hiểu và gây dựng lại được nghề gốm cổ.

Năm 2001, với quyết tâm khôi phục lại nghề truyền thống, anh Phạm Văn Vang đã ra Bát Tràng học nghề làm gốm. Đến năm 2003, anh Vang học thành nghề, trở về quê hương dựng nghiệp. Năm 2006, Doanh nghiệp tư nhân Gốm Bồ Bát được thành lập, đặt viên gạch đầu tiên hồi sinh cho nghề gốm Bồ Bát tại Ninh Bình. 

Năm 2011, sau khi chuẩn bị tốt các điều hiện cho sản xuất như nhà xưởng, nhân công, máy móc, nguyên vật liệu, anh Phạm Văn Vang đã thành lập Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng 300m2 nhà xưởng, mua sắm thêm lò nung, máy nghiền đất… tạo việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương. Hiện cơ sở sản xuất gốm ở Bồ Bát của nghệ nhân Phạm Văn Vang có diện tích 6.000 m2, với 20 người thợ làm việc mỗi ngày.

Không chỉ tập trung vào sản xuất, anh Vang còn mở lớp dạy nghề và trực tiếp giảng dạy cầm tay chỉ việc cho hơn 50 công nhân. Việc này giúp đào tạo thêm nguồn nhân lực có chất lượng và kỹ năng làm việc cao. Nhờ những nỗ lực không ngừng, thương hiệu gốm Bồ Bát dần được biết đến và đánh dấu sự khởi sắc của nghề gốm truyền thống Việt Nam.

Để khẳng định thương hiệu Gốm Bồ Bát, Công ty đã thay đổi mẫu mã sản phẩm, phẩm với đủ chủng loại, mẫu mã phong phú, giá trị sử dụng khác nhau nên được nhiều người ưa thích, từ vật vật dụng sinh hoạt như ấm chén, bát đĩa, lọ hoa… đến những sản phẩm lưu niệm, trang trí như chuông gió, vòng cổ, tranh gốm nghệ thuật.

Để tạo nên sự độc đáo riêng cho dòng gốm Bồ Bát, anh Phạm Văn tập trung vào sản xuất các mảng tranh gốm ghép, dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng, như Ðông Hồ, với những nét văn hóa vùng, miền tiêu biểu trong cả nước. Trong đó, có khá nhiều hình ảnh các khu, điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Ðộng…

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm gốm, Công ty đã đầu tư máy móc công nghệ hiện đại vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm gốm sứ như: Máy đánh hồ, máy khuấy, máy nghiền li tâm, lò nung đốt bằng gas… Từ khi đưa máy móc thiết bị vào sản xuất đã giảm đáng kể sức lao động, công nhân làm việc đỡ vất vả hơn mà hiệu quả cao hơn. Cùng với việc giảm sức lao động cho công nhân, việc áp dụng máy móc hiện đại đã mang lại hiệu quả rõ rệt, năng suất cao hơn, sản phẩm làm ra đẹp hơn, đồng đều hơn, tỷ lệ sản phẩm bị hỏng thấp.

Từ những ngày đầu mới phục dựng, trải qua không biết bao nhiêu lần thất bại, ngày nay gốm Bồ Bát không những đã nổi danh khắp cả nước mà còn vươn ra các thị trường tiểu ngạch như Mỹ hay Nhật Bản thậm chí là cả các doanh nghiệp lớn của Pháp cũng đã đề nghị về việc sản xuất độc quyền sản phẩm. Đây là động lực để những người nghệ nhân làm gốm khôi phục lại nghề làm gốm nhằm giữ gìn và phát triển làng nghề.

Bằng những nỗ lực không ngừng, các sản phẩm của doanh nghiệp gốm Bồ Bát đã được đánh giá cao về giá trị.  Năm 2008, sản phẩm gốm Bồ Bát được anh Phạm Văn Vang mang đến giới thiệu tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội. rất nhiều người đã bất ngờ khi lần đầu tiên biết về dòng gốm đã thất truyền.

Tháng 10/2010, sản phẩm gốm Bồ Bát đã được tỉnh Ninh Bình chọn đi dự hội chợ triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội Việt Nam và Thăng Long - Hà Nội” chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, sản phẩm gốm “Lọ hoa thiếu nữ” được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen, Sở Công Thương tặng giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp và nông thôn tiêu biểu”.

Năm 2015, sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát được bộ Công Thương vinh danh trong lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Năm 2020, sản phẩm gốm Bồ Bát được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Thời gian tới, Công ty sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở hàng hoạt các trung tâm giới thiệu sản phẩm tại điểm du lịch của tỉnh cũng như các địa phương có du lịch phát triển.

Sau gần nghìn năm thất truyền, nhận thức sâu sắc về giá trị các di sản, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm đặc biệt đến công tác nghiên cứu, khảo cổ học; đồng thời có những giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nghề gốm. Nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP và xúc tiến quảng bá, gốm Bồ Bát đã lấy lại vị thế.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình sẽ nghiên cứu xây dựng khu Di chỉ khảo cổ học Mán Bạc, Đền thờ tổ nghề gốm tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô trở thành điểm đến du lịch, hướng tới xây dựng Bảo tàng gốm Bồ Bát, tạo thành quần thể văn hóa di sản, vừa bảo tồn nghề gốm cổ vừa phục vụ phát triển du lịch bền vững, gia tăng giá trị cho nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Nguồn: Tạp chí Công Thương