Hỗ trợ nâng cao năng lực
CNNT vốn là thế mạnh của tỉnh Đồng Nai khi đóng góp tỷ trọng không nhỏ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Theo số liệu thống kê, năm 2017 giá trị sản xuất CNNT của Đồng Nai đạt 55.622 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2016. Một số ngành chiếm tỷ trọng cao, như: Chế biến nông sản, thực phẩm 19,46%; dệt may 19,27 %; chế tạo cơ khí 21,78%.
Dấu ấn tăng trưởng của ngành CNNT Đồng Nai được ghi nhận là nhờ sự phát triển ổn định của các “hạt nhân”- là cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên trên thực tế, khu vực kinh tế này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả cũng như vai trò trong sức phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đại diện Sở Công Thương Đồng Nai, hầu hết các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, trang thiết bị sản xuất cócông nghệ trung bình, thậm chí dưới mức trung bình, chưa có khả năng đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ nên sản phẩm tạo ra chưa có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Cùng đó, nhận thức về quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký thương hiệu sản phẩm và khâu sản xuất còn mang tính thủ công, không đồng bộ khiến sản phẩm tạo ra thiếu tính đồng bộ, chất lượng không đồng đều.
Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ và sản xuất nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh trên thị trường ngày một gắt gao. Để giúp các cơ sở CNNT từng bước hòa nhập với xu hướng trên, khuyến công Đồng Nai đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó ưu tiên hỗ trợ cơ sở ứng dụng công nghệ mới, cải thiện sản xuất.
Chỉ tính riêng năm 2017, Trung tâm Khuyến công tỉnh (Trung tâm) đã hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến cho 7 cơ sở CNNT tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom với tổng kinh phí trên 1,225 tỷ đồng. Các đề án tập trung vào 3 nhóm ngành thế mạnh là cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Máy móc được hỗ trợ cũng là những thiết bị có công nghệ tiên tiến được điều khiển tự động, bán tự động, thay thế lao động thủ công, giảm độc hại cho người lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm hao hụt nguyên liệu, tỷ lệ hư hỏng thấp so với công nghệ đang sử dụng. Ghi nhận từ các đối tượng thụ hưởng cũng cho thấy, việc đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến đã giúp các cơ sở có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là đơn hàng số lượng lớn mà điều kiện công nghệ, thiết bị trước đó của cơ sở không thể thực hiện được.
Đầu tư có chọn lọc
Cũng theo đại diện Sở Công Thương Đồng Nai, các đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất phát huy được hiệu quả là nhờ ngay từ ban đầu đã có sự khảo sát, chọn lựa đối tượng thụ hưởng, chọn lựa những đề án mang tính khả thi một cách kỹ lưỡng. Đây cũng sẽ là định hướng xuyên suốt của khuyến công Đồng Nai trong những năm tới. Cùng đó, công tác khuyến công cũng sẽ dần chuyển hướng từ hỗ trợ theo chiều rộng cho tất cả các cơ sở có nhu cầu sang hỗ trợ có chọn lọc. Trong đó ưu tiên cho các đề án có quy mô và sức lan tỏa lớn, thực hiện trong các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp mũi nhọn, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ.
Dự kiến trong năm 2018, khuyến công Đồng Nai sẽ hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho từ 7 - 8 cơ sở CNNT; tổ chức 4 hội thảo phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới có khả năng áp dụng vào sản xuất CNNT. Để thực hiện hiệu quả công tác này, Trung tâm sẽ tập trung tổ chức khảo sát năng lực công nghệ của cơ sở thuộc nhóm ngành ưu tiên và tư vấn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trước khi xây dựng đề án khuyến công với mục tiêu tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao. Khuyến khích các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến, trong đó ưu tiên sử dụng thiết bị chế tạo trong nước tương đương chất lượng thiết bị nhập khẩu vào sản xuất CNNT.
Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nhằm giúp cơ sở CNNT tiếp cận và nâng cao nhận thức, kiến thức trong công tác quản lý, điều hành nhằm hoàn thiện hệ thống quản lý sản xuất, chất lượng ở các nhà máy theo hướng hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với hội nhập kinh tế thế giới. Phối hợp với các cơ sở đào tạo trong nước đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, kết hợp đào tạo ngắn hạn với đào tạo chính quy, kết hợp giữa đào tạo mới và đào tạo lại.
TBT