Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề với hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Để phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch.

Trong số tất cả các làng nghề tại Hà Nội, nhiều làng nghề nổi tiếng thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)… Thời gian qua, Hà Nội xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống đang là thế mạnh, vì vậy, Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch…
 
Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội, trong đó có việc kết nối một số tour du lịch đưa khách đến tham quan, mua sắm tại phòng trưng bày. Đồng thời, hỗ trợ 30 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới với tổng số 186 sản phẩm được tạo ra, trong đó có 46 mẫu sản phẩm phục vụ du lịch…
 
Thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi... Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng bãi đỗ xe…
 
Nhằm phục vụ khách du lịch Thủ đô, các sản phẩm của làng nghề truyền thống đang ngày càng phát triển và dần khẳng định vị thế, đặc biệt trong đó có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm. 
 
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã cho phép nghiên cứu xây dựng đề án “Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng dệt lụa Vạn Phúc”; Triển khai đề án thí điểm xây dựng nhận diện thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch; Thực hiện xây dựng nhận diện thương hiệu làng nghề Hà Nội và logo cho làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc”; Xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch trên địa bàn Hà Nội để tạo sức hấp dẫn của điểm đến…
 
Ngoài ra, các Sở, ngành, Thành phố thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội; Triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các huyện, thị xã thuộc thành phố và các địa phương trong cả nước để cùng phối hợp nâng cao chất lượng, kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo ra các sản phẩm tour du lịch chất lượng…
 
Phát triển du lịch làng nghề đang là một hướng đi, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc, gìn giữ bản sắc, hình ảnh con người, vẻ đẹp văn hóa của mỗi địa phương ở Thủ đô.


Nguồn: Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng