Nghề thủ công mây tre đan ở xã Phú Nghĩa có từ lâu đời và rất nổi tiếng. Sản phẩm của làng nghề không chỉ được biết đến ở thị trường trong nước mà còn rất được ưa chuộng tại Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước ASEAN. Vì thế, người dân ở đây luôn tự hào rằng, hàng hoá của họ đã có mặt ở các châu lục, góp phần trong hội nhập kinh tế thế giới. Theo thống kê, hiện nay toàn xã có 35 cơ sở, doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh hàng mây tre đan xuất khẩu, trong đó có 25 cơ sở, doanh nghiệp tại địa phương. Năm 2017, các doanh nghiệp này thu về hơn 225 tỉ đồng, chiếm 48% tổng giá trị sản xuất của địa phương.
Sản phẩm mây tre đan của Phú Nghĩa có khoảng 500 chủng loại hàng hoá, gồm nhiều mẫu mã đa dạng, với nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Ngoài những đồ dùng thông dụng trong cuộc sống hàng ngày như đĩa, khay, túi sách, cơi đựng trầu... người thợ làng nghề Phú Vinh còn khéo léo sáng tạo ra những sản phẩm mang tính mỹ thuật cao như bình hoa, đồ trang trí nội thất, đèn nghệ thuật, móc chìa khoá, tranh ảnh...
Mây tre đan là nghề thủ công mỹ nghệ rất đòi hỏi sự cần cù, đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, vì thế đòi hỏi nguồn nhân lực có kinh nghiệm và tay nghề nhất định. Những năm gần đây, để duy trì và phát triển làng nghề, xã Phú Nghĩa đã rất quan tâm đến việc đào tạo nghề cho lao động phổ thông và nâng cao tay nghề cho những người thợ thủ công có nhu cầu. Nhiều lớp học đã được tổ chức từ nguồn vốn khuyến công do huyện Chương Mỹ hỗ trợ, đã đem lại hiệu quả thiết thực cho làng nghề.
Cơ sở sản xuất Công ty TNHH Mây tre Việt Quang của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh ở gần giữa xã Phú Vinh, cũng đồng thời là cơ sở đào tạo nghề và nâng cao tay nghề mây tre đan cho các học viên theo chương trình khuyến công của huyện Chương Mỹ. Mỗi năm, cơ sở sản xuất phối hợp với chính quyền và chương trình khuyến công tổ chức được từ 3 - 5 lớp dạy nghề cho người lao động, mỗi lớp có từ 35 - 50 học viên. Bên cạnh đó, còn có các lớp nâng cao, nhằm trang bị cho học viên kiến thức lý thuyết, nâng cao kỹ năng thực hành, khả năng sáng tác sản phẩm mới, tiếp cận kỹ thuật hiện đại, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; hình thành đội ngũ thợ giỏi có tay nghề cao, có kiến thức, kinh nghiệm, là lực lượng lòng cốt trong công tác dạy nghề trong phát triển nghề và trong tương lai trở thành những nghệ nhân - thợ giỏi bảo tồn, phát triển nghề mây tre đan truyền thống của địa phương.
Sau khi tham dự các lớp đào tạo theo chương trình khuyến công, hầu hết các học viên đã nắm chắc kỹ thuật. Nhiều người đã có thể tách ra sản xuất riêng, nhận gia công một số công đoạn của sản phẩm tại nhà cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn. Có người đã có thể tự mình thiết kế các mẫu mã sản phẩm để bán ra thị trường. Nhờ đó mà nâng cao được sức sản xuất, tăng cường hiệu quả lao động và tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Cũng như Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh, ở tuổi thất thập, với hơn 50 năm làm nghề, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung cũng chưa lúc nào nguôi bớt tình yêu và niềm say mê với những sản phẩm từ mây tre đan. Năm 1982, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung sang giúp đỡ nhân dân Cu Ba học nghề mây tre đan của Việt Nam. Trong gần 5 năm nhận nhiệm vụ, ông Trung đã xây dựng và đào tạo được một xưởng nghề cho nước bạn, giải quyết việc làm cho hơn 300 công nhân.
Là người có đôi bàn tay tài hoa và giầu óc sáng tạo, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung đã góp phần đưa những sản phẩm mây tre Phú Vinh lên tầm cao mới, mang tính nghệ thuật. Những mẫu sản phẩm do ông thiết kế đã giành được nhiều giải cao trong những cuộc thi sáng tạo hàng thủ công mỹ nghệ trong nước và khu vực. Đáng kể nhất là giải thưởng thiết kế mẫu sản phẩm các nước ASEAN 2017. Thời gian gần đây, ông đã chuyển việc sản xuất kinh doanh sang cho con trai để dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc sáng tạo các mẫu mã và đào tạo nghề cho lớp trẻ.
Là 1 trong 5 nghệ nhân ưu tú của làng nghề, lại là người giầu kinh nghiệm và có nhiều giải cao trong các hội thi sáng tạo, nên các lớp học của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung có nhiều người tìm đến. Trung bình mỗi năm, Trung tâm dạy nghề tư thục Phú vinh của ông tổ chức từ 10 - 15 lớp, với trên dưới 400 học viên.
Đứng trước nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đa dạng mẫu mã, phong phú về hình thức, công tác đào tạo nghề cho lớp trẻ, nâng cao tay nghề, năng lực sáng tạo, cũng như hun đúc niềm đam mê với nghề truyền thống trong các làng nghề mây tre đan, không chỉ là việc làm của các nghệ nhân đi trước, mà đòi hỏi có sự chung tay hơn nữa của chính quyền địa phương, sự vào cuộc một cách sát sao hơn nữa của chương trình khuyến công các cấp, trong việc đào tạo và nâng cao tay nghề, cũng như hỗ trợ vốn, thiết bị, máy móc kỹ thuật hỗ trợ sản xuất. Có như vậy nghề mây tre - đan, một nghề “tưởng chừng giản đơn” sẽ ngày càng phát triển bền vững và có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bảo Khánh