Dự án đầu tư xưởng sản xuất mộc dân dụng và mỹ nghệ từ gỗ rừng trồng tại cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải - thành phố Lào Cai được xây dựng, tạo môi trường tập trung cho các hộ kinh doanh cá thể phát triển sản xuất. Dự án có tính khả thi cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách nhà nước đồng thời mở ra hướng tiêu thụ sản phẩm lâm sản qua chế biến và xuất khẩu.
Anh Nguyễn Xuân Tú, Chuyên viên Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Lào Cai (Trung tâm) cho biết: Từ năm 1992, tỉnh Lào Cai được tái lập, ngành chế biến lâm sản nói chung và mộc dân dụng và mỹ nghệ nói riêng phát triển rất chậm, các cơ sở phát triển nhỏ lẻ manh mún chủ yếu sản xuất các đồ thông dụng phục vụ người dân địa phương. Trước tình hình đó UBND Tỉnh đã có chủ trương kêu gọi các nghệ nhân các làng nghề từ nơi khác đến Lào Cai để truyền dạy nghề, đồng thời thành lập các cơ sở sản xuất ngay tại địa bàn.
Anh Nguyễn Văn Quyến, người gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ và dân dụng, giữ nghiệp truyền thống của cha ông là những hạt nhân đầu tiên góp phần phát triển vùng kinh tế Tây Bắc. Nói về những hỗ trợ của hoạt động khuyến công, anh Quyến chia sẻ: Từ năm 2008, Trung tâm và Phòng Kinh tế của thành phố đã hỗ trợ rất nhiều trong việc đào tạo nghề này cho lao động ở các huyện và đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Hàng năm, thông qua hỗ trợ đào tạo nghề đã có rất nhiều lao động được đào tạo có tay nghề theo đúng yêu cầu.
Xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất của anh Lưu Hồng Điệp mới được chuyển về cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải. Đây là chủ trương phát triển công nghiệp của thành phố Lào Cai theo hướng tập trung, nhằm tiết kiệm điện năng, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Việc hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại trong sản xuất mộc dân dụng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Anh Lưu Hồng Điệp cho biết: Tỉnh và Trung tâm khuyến công đã có những chương trình hỗ trợ máy móc, đào tạo nghề cho cơ sở. Hàng năm Trung tâm bảo trợ xã hội cũng đã gửi và giới thiệu các cháu vào đây để học nghề, sau khi thành thạo các cháu nào có nguyện vọng ở lại làm việc đều được tiếp nhận và có việc làm, thu nhập ổn định.
Mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn đã được các cấp lãnh đạo và người dân đồng thuận thực hiện. Để làm được điều đó, các nhóm giải pháp chủ yếu về nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và thúc đẩy phát triển sản phẩm đã và đang được triển khai. Việc hỗ trợ nghệ nhân các ngành nghề truyền thống từ khắp các tỉnh thành trên cả nước đến đầu tư lập nghiệp và phát triển tại Lào Cai luôn được ưu tiên chú trọng. Anh Nguyễn Xuân Tú chia sẻ thêm: Trong những năm tiếp theo, được sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, Trung tâm khuyến công tập trung hỗ trợ khuyến khích các cơ sở sản xuất di dời vào các cụm công nghiệp đã được quy hoạch; hỗ trợ một phần kinh phí để các cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị; tổ chức đào tạo nghề cho lao động của các cơ sở sản xuất; tổ chức cho các cơ sở tham quan các vùng làng nghề để học tập các mẫu mã sản phẩm. Đồng thời cũng sẽ tư vấn cho các cơ sở sản xuất về thương hiệu và xây dựng bảo vệ thương hiệu sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Bảo Khánh