Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN), làng nghề trên địa bàn nông thôn là hướng đi tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn và góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Tại Tuyên Quang, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành nông nghiệp triển khai Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”. Hiện tỉnh đã có 1 làng nghề làm chè ở thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương), tới đây sẽ có thêm làng nghề bánh gai, thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa). Sử dụng nhiều nguồn vốn hỗ trợ nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ sản xuất của một số cơ sở, tổ ngành nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã làng nghề nông thôn. Thời gian qua, tại Nà Hang, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp, nông dân và nông thôn (TNSP), nguồn quỹ khuyến công, tỉnh đã hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất, tổ hợp tác trong việc xây dựng và phát triển các nghề như dệt, chế biến chè, chế biến miến dong, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ... Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các cơ sở trên thị trường.
 
 Để phát triển ngành nghề nông thôn, ngành nông nghiệp đã tham mưu với tỉnh thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu về nông, lâm, đất đai để tạo điều kiện đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu ổn định cho các cơ sở làm nghề; các địa phương cũng đã thực hiện quy hoạch lại để xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm, cơ sở ngành nghề gắn với quy hoạch nông thôn mới như: Mở mang hệ thống giao thông, các công trình thủy điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, bố trí mặt bằng sản xuất hợp lý xa khu dân cư. Vận động các cá nhân sản xuất thành lập các loại hình sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty TNHH, đại diện cho những người sản xuất nhỏ ra các quan hệ với bên ngoài tìm kiếm thị trường, khai thác vốn, thay thế công nghệ mới vào sản xuất, tìm đối tác đầu tư liên kết kinh doanh.

 Hiện toàn tỉnh có gần 6.000 cơ sở ngành nghề nông thôn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: Khai thác sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông, lâm sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; chăn nuôi, làm dịch vụ... Các cơ sở ngành nghề nông thôn thu hút trên 10.000 lao động làm việc, doanh thu hàng năm đạt khoảng 900 tỷ đồng. Điển hình như cơ sở dệt thổ cẩm thôn 6 Minh Quang, xã Minh Hương (huyện Hàm Yên) thu hút 4 lao động làm việc thường xuyên, với mức thu nhập 100 nghìn đồng đến 120 nghìn đồng/ngày/người. Mỗi ngày cơ sở sản xuất ra trên dưới 100 sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, trong đó nhiều nhất là khăn, túi... Dệt thổ cẩm đã giải quyết việc làm lúc nông nhàn đồng thời tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương. Hiệu quả kinh tế trong nghề dệt thổ cẩm đã lan rộng ra toàn xã và một số xã lân cận.
 
 Những năm qua, tại Bắc Giang hoạt động khuyến công đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, thành phố, góp phần rất lớn trong việc khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Nhiều ngành nghề truyền thống đã từng bước thích nghi với sự phát triển của kinh tế thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế và có bước tăng trưởng khá như: Mây tre đan; chế biến nông sản thực phẩm; chế biến gỗ gia dụng, đồ mỹ nghệ; cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp; sản xuất vật liệu xây dựng... Đã và đang dần hình thành một số ngành nghề mới ở khu vực nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp và góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn như: Làm hoa voan, đan nhựa giả mây, chẻ tăm lụa, sản xuất nấm, làm hương xuất khẩu…

Nhằm khuyến khích phát triển các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở khu vực nông thôn, hoạt động khuyến công ở Bắc Giang đang tập trung vào đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, ứng dụng máy móc thiết bị, tiến bộ khoa học kỹ thuật… vào sản xuất gắn với tư vấn trợ giúp thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, hội, hiệp hội ngành nghề; phối hợp tổ chức liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Qua đó hình thành các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở khu vực nông thôn.
 
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 39 làng nghề được UBND tỉnh công nhận; 435 làng có nghề, trong đó có 14 làng nghề truyền thống, ngoài ra còn có gần 14,3 nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề như chế biến nông, lâm sản; sản xuất cơ khí; vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, làm giấy dó… thu hút đáng kể lực lượng lao động tại chỗ và lao động từ nơi khác đến.

Phát huy lợi thế có hơn 8km triền đê dọc sông Ninh Cơ, năm 2016 xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã tập trung phát triển các nghề sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), sửa chữa, đóng mới tàu thủy và khai thác kinh tế biển. Thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, xã đã tạo điều kiện, khuyến khích các cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ mới (lò cải tiến) để sản xuất VLXD đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở sản xuất gạch nung của ông Đoàn Văn Bằng, xóm 5, mỗi năm sản xuất khoảng 20 triệu viên gạch, tạo việc làm cho 20-25 lao động với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất VLXD của ông Đặng Văn Sinh ở xóm 7 hằng năm sản xuất 30 triệu viên gạch nung theo công nghệ lò vòng nung liên tục, tạo việc làm, thu nhập ổn định từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng cho 35-40 lao động. Các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn mỗi năm sản xuất khoảng 150 triệu viên, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
 
 Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Ninh Thuận có vài chục nghề TTCN với nhiều quy mô khác nhau, trong đó, cũng chỉ mới có 3 làng nghề được công nhận gồm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và gốm Bàu Trúc (đều ở thị trấn Phước Dân, Ninh Phước). Trong 3 làng nghề nói trên, xét về quy mô thì lớn nhất là làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, với trên 500 hộ tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 800 lao động.
 
Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, những năm qua ngành chức năng đã tạo nhiều điều kiện từ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù đến tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ máy móc thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường... Nhiều làng nghề và cơ sở nghề còn được tổ chức tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng.
 
  Đến nay, một số sản phẩm như nước mắm Cà Ná, rau an toàn Văn Hải, gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp đã hoàn thành chuyển giao nhiệm vụ quản lý thương hiệu cho các Hợp tác xã làng nghề. Một số sản phẩm cũng khá có “tên tuổi” như nước mắm Đông Hải, trái cây Sông Pha, thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng Cầu Gãy, chế biến hải sản Mỹ Tân, thủ công mỹ nghệ Tập Lá, thủ công mỹ nghệ Ma Nai,... do chưa xác lập chủ sở hữu nên chưa đăng ký xây dựng thương hiệu sản phẩm.
 
  Với nghề đan lát thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá (xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc) có 80 hộ đang tham gia hoạt động sản xuất ngành nghề, chiếm 33,9% số hộ của thôn (80/236 hộ), với 100 lao động tham gia sản xuất ngành nghề. Những năm qua, để giúp nghề này phát triển, cùng với việc mở 7 lớp đan lát mây, tre cho 203 học viên trong xã, sản phẩm làm ra còn được ngành chức năng hỗ trợ để tham gia một số hội chợ triển lãm trong khu vực, gửi sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị gồm 9 bộ dao chẻ nan; xây dựng phương án phát triển vùng nguyên liệu trồng thí điểm cây lồ ô với diện tích 3 ha; giải quyết cho vay từ quỹ quốc gia về việc làm 300 triệu đồng cho 15 hộ có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ngành nghề đan lát (20 triệu đồng/hộ)...
 
  Qua việc hỗ trợ, nghề đan lát thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá đã thu hút thêm được lao động hoạt động nghề. Đã hình thành được mô hình Tổ hợp tác sản xuất do bà con dân tộc Raglai quản lý. Sản phẩm được nhiều du khách và các thành phần kinh tế khác biết đến thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, nhất là sản phẩm được trưng bày tại các điểm, khu du lịch. Nhờ đó, tổng doanh thu đạt trên 1,8 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân khoảng 1,4 triệu đồng/tháng.
 
  Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Qua đó, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
 

TBT