Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, hiện nay tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được mặt bằng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục về đầu tư, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, thiếu kinh phí để bồi thường, vị trí quy hoạch,...

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ triển khai do thời gian thực hiện thủ tục pháp lý kéo dài. Theo quy trình được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND, tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp phải đảm bảo các bước: Thủ tục đầu tư, thành lập cụm công nghiệp, cấp phép quy hoạch, tác động môi trường, thủ tục đất đai, cấp phép xây dựng, khởi công, thẩm định xây dựng,.... Trung bình tổng thời gian để hoàn tất hồ sơ khoảng 2 - 3 năm, thậm chí nhiều cụm phải mất nhiều thời gian hơn do gặp khó khăn về vấn đề đất đai, đặc biệt là vướng mắc do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn tất thủ tục, chủ đầu tư mới thực hiện khởi công xây dựng, mất thêm khoảng từ 1 - 2 năm mới được tiếp nhận dự án sản xuất kinh doanh vào đầu tư.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc, kéo dài do người dân không hợp tác, không chấp nhận giá đền bù.

Bên cạnh đó, thực tế triển khai công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn cho thấy, giai đoạn 2013-2020, trong 13/27 cụm công nghiệp đã được thành lập và phê duyệt chủ trương đầu tư, có 8/13 cụm gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dẫn đến chậm trễ tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung cụm công nghiệp. Hiện tại, giá trị quyền sử dụng đất theo chính sách của Nhà nước dùng để bồi thường khi thu hồi đất của người dân còn cách rất xa so với giá trị quyền sử dụng đất trên thị trường, đặc biệt với đất nông nghiệp. Chênh lệch mức giá bồi thường và giá thực tế là nguyên nhân chủ yếu gây bức xúc, dẫn đến sự thiếu hợp tác, không chấp nhận giá đền bù và khiếu kiện của những người bị thu hồi đất. Một số cụm công nghiệp vướng đất cao su không thỏa thuận được giá đền bù và phương thức góp vốn đầu tư cụm công nghiệp nên không thể triển khai đầu tư. Một số trường hợp cụm công nghiệp có đất công nằm xen kẽ trong cụm công nghiệp hiện chưa có phương án xử lý cụ thể, dẫn đến kéo dài trong công tác cấp chủ trương đầu tư (như cụm công nghiệp Trị An, Vĩnh Tân). Một số trường hợp quy hoạch cụm công nghiệp trên cơ sở đã có các doanh nghiệp hiện hữu và không mời gọi được nhà đầu tư hạ tầng, do đó phải giao cho các đơn vị sự nghiệp làm chủ đầu tư trên cơ sở huy động vốn góp của các doanh nghiệp hiện hữu để đầu tư chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, do đó các đơn vị này không chủ động được nguồn kinh phí để thực hiện, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.

Việc thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng gặp nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư, nguồn vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tương đối lớn. Dự tính kinh phí đầu tư, nguồn vốn đầu tư hạ tầng (theo suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2021 do Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 610/QĐ-BXD ngày 13/7/2022) là 9.535 triệu đồng/ha, tương ứng với 476.750 triệu đồng/cụm với diện tích 50 ha, chưa bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong khi đó, cụm công nghiệp có quy mô diện tích tối đa là 75 ha, nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của khu công nghiệp. Do suất đầu tư lớn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp, nên khó thu hút các doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.

Ngoài ra, vị trí quy hoạch cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Trên địa bàn tỉnh, một số cụm công nghiệp thuộc vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng còn yếu kém và vị trí giao thông không thuận lợi nên nhà đầu tư không muốn đầu tư, do hiệu quả kinh tế thấp, như cụm công nghiệp Phú Vinh - huyện Định Quán (35,31 ha).

Để tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 – 2025 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-UBND, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan cần tập trung vào các nhiệm vụ chính như:

(i) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện đồng bộ hệ thống cơ chế quản lý, chính sách phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Triển khai “Quy chế quản lý cụm công nghiệp”, “Bộ tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành tại Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND và Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 28/6/2021; Triển khai thực hiện “Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025” theo Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh Đồng Nai;

(ii) Tiếp tục rà soát xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp theo đúng quy định của pháp luật;

(iii) Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: tiếp tục rà soát, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xử lý theo quy định;  

(iv) Phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan hoàn chỉnh Phương án phát triển Khu, Cụm công nghiệp làm cơ sở tích hợp Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc quy hoạch phải đảm bảo tận dụng lợi thế của việc đầu tư công trình trọng điểm như: cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết; Dầu Giây - Liên Khương; Biên Hòa - Vũng Tàu; các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh; các cụm cảng biển nhóm 5 Phước An- Nhơn Trạch,…/.

Ảnh và Bài: Anh Tuấn-CCN

Tin đã đăng