Đề án được xây dựng với mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) giai đoạn đến năm 2025 từ 17-17,5%/năm, đạt 13.500 – 15.000 tỷ đồng; tỷ trọng CNNT trong cơ cấu ngành công nghiệp chiếm từ 20 - 25%.
Với mục tiêu này, dựa trên thế mạnh sẵn có, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển một số nhóm ngành, như: Chế biến nông lâm, thủy sản và đồ uống, thủ công mỹ nghệ, thiết bị, máy móc và phụ tùng cơ khí, vật liệu xây dựng.
Với các nhóm ngành này tỉnh ưu tiên thực hiện các chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường. Thực hiện và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại nhằm giói thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác.
Riêng với nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, do có nhiều yếu tố thuận lợi về số lượng làng nghề, tỉnh sẽ ưu tiên đa dạng hóa sản phẩm phục vụ khách du lịch. Trong đó có tập trung vào một số mặt hàng cụ thể: Đồ gỗ mỹ nghệ, sơn mài, mây tre đan, dệt, may mặc, thêu ren và các loại sản phẩm đặc sản từ nông lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, hình thành các doanh nghiệp hạt nhân tạo sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đủ điều kiện tìm kiếm và ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp.
Để hiện thực hoá những mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế đã xây dựng nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó vốn là giải pháp được ưu tiên, bên cạnh nguồn hỗ trợ của trung ương và địa phương, tỉnh sẽ xã hội hóa nguồn vốn thực hiện thông qua việc dạng hóa các hình thức huy động vốn như: Góp vốn, thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp, vay các tổ chức tín dụng… Lồng ghép vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; mỗi xã một sản phẩm; khuyến công, xúc tiến thương mại ... Tìm kiếm vận động các nguồn tài trợ và đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài để khai thác thêm các nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, xử lý môi trường ở các làng nghề…
Cùng đó, Thừa Thiên Huế cũng sẽ thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển CNNT; lồng ghép các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đối với cơ sở CNNT; phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất CNNT và giải pháp bảo vệ môi trường; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm CNNT.
Với vai trò đầu mối, Sở Công Thương tỉnh được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh các cơ chế chính sách phát triển cụm công nghiệp; xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp giai đoạn đến năm 2025 góp phần thúc đẩy phát triển CNNT.
TTCN (ARIT)