Từ hành lang pháp lý cởi mở…
Trong giai đoạn 1999 - 2009, cùng với việc ra đời (tháng 1/2000) và (tháng 7/2006) của Luật Doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã được nhìn nhận như động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Với tinh thần chủ đạo là "doanh nghiệp được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm" và sự chuyển biến hết sức quan trọng từ "cấp phép kinh doanh" sang "đăng ký kinh doanh", Luật Doanh nghiệp năm 1999 đánh dấu một mốc quan trọng trong những nỗ lực của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Tuy nhiên, sau 5 năm áp dụng vào thực tế, Luật Doanh nghiệp 1999 đã bộc lộ nhiều “yếu điểm” mà lớn nhất là vấn đề quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bị chi phối bởi rất nhiều luật lệ liên quan với rất nhiều loại thủ tục, giấy phép “to” giấy phép “con” chồng chéo. Hệ lụy là các doanh nghiệp phải hoàn tất rất nhiều thủ tục để có thể gia nhập thị trường, kéo theo những tốn kém về chi phí tiền bạc và thời gian.
Theo nhiều chuyên gia, Luật Doanh nghiệp 1999 mới chỉ tập trung nhiều vào việc tạo điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp ra nhập thì trường chứ chưa chú trọng nhiều đến vấn đề “hậu gia nhập thị trường” và hậu kiểm. Kết quả là sự ra đời của nhiều “doanh nghiệp ma” và nhiều hạn chế trong việc nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt là năng lực quản trị để doanh nghiệp tồn tại, phát triển.
Một khiểm khuyết nữa của Luật Doanh nghiệp 1999 là chưa tạo ra một “sân chơi” chung bình đẳng cho các thành phần kinh tế.
Để khắc phục những hạn chế nói trên, Luật Doanh nghiệp năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2006) đã được ban hành với nhiều điểm mới hết sức quan trọng. Đây là lần đầu tiên nước ta ban hành một văn bản pháp luật chung điều chỉnh thống nhất tất cả các loại hình doanh nghiệp. Với việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 2005, các doanh nghiệp Việt Nam đã có điều kiện để hoạt động bình đẳng trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng đáp ứng được yêu cầu đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Những điểm mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp năm 2005 thể hiện ở những nội dung sau đây: Thay Đơn đăng ký kinh doanh bằng Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh và quy định cụ thể về hồ sơ đăng ký kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân; Gắn thủ tục đăng ký kinh doanh với thủ tục đăng ký đầu tư, giúp đơn giản hoá tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường và thực hiện các hoạt động đầu tư; Hoàn thiện quản trị doanh nghiệp, theo đó, khung quản trị doanh nghiệp được hoàn thiện hơn, rõ ràng hơn và bảo vệ mạnh mẽ hơn quyền và lợi ích của thành viên; Tăng cường quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, điều này được thể hiện bằng các quy định về cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước, quy định rõ và cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước, cấp chính quyền trong quản lý doanh nghiệp; Đổi mới cơ bản cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó, tách chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý hành chính nhà nước, thực hiện tập trung và thống nhất các quyền chủ sở hữu, đồng thời tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2006 – 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kế hoạch này đã trở thành một bộ phận cấu thành của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 của Việt Nam.
Thêm vào đó là Đề án 30 - một chương trình cải cách hành chính sâu rộng đang được Chính phủ triển khai với mục tiêu cắt giảm 30% thủ tục hành chính - sẽ là một động lực lớn để các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
… đến nửa sáng ấn tượng
Như đã nói ở trên, với việc ra đời Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 sau này, đã tạo ra bước đột phá quan trọng trong sự hình thành và phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân. Với những quy định cởi mở về điều kiện gia nhập thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí thành lập doanh nghiệp, nên từ 14.482 doanh nghiệp tư nhân năm 2000 đã tăng lên con số hết sức ấn tượng là 45.754 doanh nghiệp vào năm 2006.
Đặc biệt từ năm 2006 đến nay, với việc ra đời Luật Doanh nghiệp 2005, sự tăng trưởng về số lượng các doanh nghiệp tư nhân còn có bước nhảy vọt hết sức bất ngờ, đến hết năm 2008, theo Tổng cục Thống kê, con số này đã tăng lên đến khoảng 179 ngàn doanh nghiệp (chỉ tính doanh nghiệp còn hoạt động).
Không chỉ nhiều về số lượng mà quy mô hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân cũng lớn mạnh nhanh chóng. Nếu lấy mốc thời gian là năm 2000 và năm 2008 để so sánh một số tiêu chí, ta dễ dàng nhận thấy điều này. Cụ thể, vốn chủ sở hữu trung bình của một doanh nghiệp tăng từ 1,220 tỷ đồng lên 3,679 tỷ đồng; Lợi nhuận trung bình của một doanh nghiệp tăng 5 lần, từ 54 triệu lên 258 triệu đồng; hay tài sản trung bình của một doanh nghiệp tăng từ 3,314 tỷ lên 14,660 tỷ đồng…
Cùng với những tiến bộ về quy mô hoạt, người ta còn ghi nhận sự cải thiện đáng kể về hiệu quả hoạt động tài chính của khối doanh nghiệp tư nhân. Vẫn lấy hai mốc thời gian như trên để so sánh sự tăng trưởng về tỉ lệ tổng tài sản/vốn chủ sở hữu là 271,65% (năm 2000) và 398,50% (năm 2008); tỉ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 4,44% (năm 2000) và 7,01% (năm 2008) và tỉ lệ lợi nhuận/tổng tài sản là 1,63% (năm 2000) và 1,76% (năm 2008).
Như vậy, nếu ở năm 2000, với 01 đồng vốn doanh nghiệp tạo chỉ ra được hơn 271 đồng tài sản thì đến năm 2008, vẫn 01 đồng vốn doanh nghiệp đã tạo ra được đến trên 398 đồng tài sản. Tương tự, các chỉ số còn lại cũng cho thấy, hiệu quả hoạt động tài chính trong các doanh nghiệp tư nhân đã có sự cải thiện đáng kể.
Không chỉ có vậy, trong 10 năm qua, khối các doanh nghiệp tư nhân còn tạo ra hàng triệu việc làm với mức thu nhập ngày càng tăng. Nếu năm 2000, khối doanh nghiệp tư nhân mới tạo ra hơn 858 ngàn việc làm thì đến hết năm 2008, họ đã tạo ra trên 4,339 triệu việc làm, tăng đến trên 505%.
Cùng với đó, thu nhập bình quân/năm của người lao động cũng liên tục được cải thiện, năm 2000 là 8,5 triệu đồng/năm thì đến hết năm 2008 tăng lên 33,19 triệu đồng/năm.
Mức doanh thu trung bình 01 lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân tạo ra trong một năm cũng tăng đáng kể, từ 225,3 triệu đồng/năm (năm 2000) lên 701,7 triệu đồng/ năm (năm 2008)
Trên đây mới chỉ so sánh sự tăng trưởng và phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân với chính họ trước đó, còn nếu so sánh với khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì khối doanh nghiệp tư nhân cũng chẳng chịu “thua kém” ở khá nhiều chỉ số quan trọng. Điển hình như số lao động được tuyển dụng, trong khi khối doanh nghiệp Nhà nước là (âm) – 24,58%, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 448,48% thì con số này của khối doanh nghiệp tư nhân lại rất ấn tượng với 505,41%. Hay như chỉ số vốn chủ sở hữu, trong khi khối tư nhân tăng 17 lần (1697,87%) thì khối doanh nghiệp Nhà nước chỉ tăng gần 4 lần (370,96%) và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng không quá cao, với 398,35%, tương đương gần 4 lần.
Trong 10 năm qua, không chỉ đạt được những tiến bộ đáng kể về quy mô, hiệu quả hoạt động tài chính, mà khối doanh nghiệp tư nhân còn có những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng phạm vi, lĩnh vực hoạt động. Điển hình như trong lĩnh vực đào tạo nghề, tính đến 31/12/2008, đã có 815 cơ sở dạy nghề tư nhân, chiếm 39,5% tổng số cơ sở đào tạo nghề cả nước. Hay lĩnh vực công chứng. Trước 2007, cả nước chỉ có 140 phòng công chứng. Từ khi Luật Công chứng có hiệu lực 1/7/2007, riêng Hà Nội có 39 văn phòng công chứng tư…
…và nửa tối đáng lo
Mặc dù có được những điều kiện khá thuận lợi về khung khổ pháp lý cho việc hình thành, phát triển và hoạt động, song tại buổi tạo đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân đến nay mới chỉ mạnh về lực lượng, còn chất lượng thì chưa cải thiện được là bao.
Trước hết là sự thiếu vắng các doanh nghiệp tư nhân lớn và vừa, có khả năng dẫn dắt, chi phối thị trường trong lĩnh vực, khu vực hoạt động của mình.
Trong báo cáo Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam do Vietnam Report và Báo điện tử VietnamNet bình chọn vào năm 2009, chỉ có 28.9% các doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp tư nhân. Hay trong danh sách 200 doanh nghiệp lớn của Việt Nam do UNDP công bố, chỉ có 17 doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân. Đáng chú ý là trong cả hai trường hợp trên, đa phần là doanh nghiệp cổ phần hóa.
Hơn nữa, theo đánh giá của Tổ Công tác Thi hành Luật Doanh nghiệp, hiện có trên 80% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ (có vốn dưới 5 tỉ đồng và sử dụng dưới 50 lao động).
Tất cả những điều này cho thấy, Việt Nam đang thiếu các doanh nghiệp tư nhân lớn để có thể là chỗ dựa cho Nhà nước khi triển khai những chính sách phát triển kinh tế và thiếu những doanh nghiệp cỡ vừa “the missing middle” để chuẩn bị sẵn sàng đảm đương vai trò này.
Cùng với đó, chất lượng quản trị của khối doanh nghiệp tư nhân còn khá đơn giản với hình thức quản trị điều hành còn mang nặng tính gia đình, tập trung quyền lực, kiêm nhiệm, thiếu năng lực... (Chồng là giám đốc, vợ là kế toán, con cái, người thân giữ các vị trí trưởng phòng ban). Hệ quả là không phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của đội ngũ nhân viên mà họ làm việc thụ động trên cơ sở các quyết định hay sự chỉ đạo, điều hành của chủ doanh nghiệp.
Thêm vào đó, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân hiện thiếu chiến lược hoạt động với tầm nhìn dài hạn mà thường là vận hành theo từng thương vụ, mùa vụ. Nguyên nhân được chỉ ra là: “Chiến lược thường nằm trong đầu Sếp và thường thay đổi”. Kết quả khảo sát 123 doanh nghiệp của Báo Sài gòn Tiếp thị (2-4/2006) cho thấy, chỉ có 48,3% công ty cổ phần, công ty TNHH có các hướng dẫn, cẩm nang đầy đủ quy định công tác điều hành doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này của các doanh nghiệp FDI là 80%,và doanh nghiệp quốc doanh là 50% còn của các doanh nghiệp tư nhân và cơ sở sản xuất là 0%.
Chưa hết, công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng hoặc chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp tư nhân còn rất hạn chế. Kết quả từ một cuộc khảo sát của GTZ và VCCI cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân chỉ dành dưới 0,1% doanh thu để đầu tư cho các hoạt động nói trên. Cũng trong khảo sát này, người ta chỉ ra rằng, có tới 80% doanh nghiệp tư nhân sử dụng công nghệ lạc hậu 3-4 thế hệ so với thế giới.
Thêm nữa, các doanh nghiệp tư nhân cũng chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động ưng dụng công nghệ thông tin. Kết quả điều tra với 9.890 doanh nghiệp năm 2009 của VCCI cho thấy, chỉ có 27,3% số doanh nghiệp có thư điện tử; 56% doanh nghiệp có 3 máy tính trở xuống; 43% doanh nghiệp dành ít hơn 1% số vốn kinh doanh đầu tư cho công nghệ thông tin (mua máy tính, kết nối internet, các phần mềm ứng dụng…)
Bên cạnh những hạn chế trên, nhiều chuyên gia cũng đưa ra đánh giá không cao về công tác thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường của khối doanh nghiệp tư nhân với nhận xét khiến nhiều người phải suy ngẫm: Đang trong giai đoạn làm quen.
Hoàng Châu, Báo CT