Tỉnh Lào Cai có tiềm năng thế mạnh trong phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ. Về công nghiệp, Lào Cai có nhiều mỏ với trên 35 loại khoáng sản khác nhau thuận lợi cho công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản. Về thương mại dịch vụ, với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ Lào Cai là “Cầu nối” giữa Việt Nam và các nước Asean với thị trường Trung Quốc.

Để phát huy lợi thế vốn có, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Lào Cai xác định phát triển công nghiệp là “quan trọng” và thương mại dịch vụ là “mũi nhọn”. Theo đó, quá trình phát triển sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại đã đặt ra nhu cầu về liên kết vùng giữa Lào Cai với các tỉnh khác.

Trong lĩnh vực thương mại, Lào Cai đã thực hiện tốt liên kết vùng trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa đó là: Xuất khẩu nông sản phẩm của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hoa quả của các tỉnh miền Trung, miền Bắc, cao su của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên… Để hỗ trợ cho các hoạt động liên kết trong lĩnh vực thương mại, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như: Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm hàng hóa, khảo sát, tổ chức các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối xuất khẩu nông sản, thủy hải sản. Tỉnh cũng đang tích cực đề xuất được thí điểm triển khai xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ như dịch vụ kho bãi, điều kiện bảo quản hàng hóa, dịch vụ thông quan, dịch vụ vận tải, bốc xếp, thu đổi ngoại tệ, ăn uống, vui chơi, giải trí…

Về liên kết vùng trong lĩnh vực công nghiệp. Hiện nay Lào Cai là tỉnh duy nhất khai thác quặng Apatit cung cấp phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước. Vì vậy việc quy hoạch khai thác mỏ gắn với các dự án chế biến, sản xuất phân lân, DAP, phốt pho, phân lân nung chảy, muối phốt phát, axitphotphoric … và cân đối đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước là hết sức quan trọng.

Đối với công nghiệp luyện kim, hiện nay tỉnh Lào Cai đang có 2 nhà máy luyện đồng với công suất là 20.000 tấn/ năm và 1 nhà máy gang thép với công suất 500.000 tấn/năm, trong thời gian tới sẽ nâng công suất lên lần lượt là 50.000 tấn đồng/năm và 2 triệu tấn gang thép/năm vì vậy nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu và thị trường tiêu thụ hiện tại và tương lai là rất lớn, trong phạm vi địa phương không thể cân đối nổi cần đẩy mạnh liên kết ra bên ngoài. Việc liên kết thu hút được quặng đồng của các mỏ nhỏ lẻ địa phương lân cận sẽ đảm bảo có thêm nguồn cung nguyên liệu, giảm chi phí vận chuyển, giúp các địa phương khác không đầu tư thêm nhà máy chế…nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo đó, việc thiết lập liên kết vùng trong việc cung ứng nguyên nhiên vật liệu không chỉ đơn thuần do các đơn vị tự triển khai thực hiện mà rất cần sự tham gia của các cơ quan nhà nước để hoạch định, làm trung gian, phát huy cao độ hiệu quả kinh tế và lấy lợi ích chung làm cơ sở thực hiện.

Kinh tế vùng, liên kết vùng trong lĩnh vực công thương tỉnh Lào Cai bước đầu đã tạo lập được sự tập trung chuyên môn hóa sản phẩm, hình thành nên dòng chảy sản phẩm cung ứng khoáng sản, kim loại, hóa chất cho các tỉnh trong cả nước; tiêu thụ gạo, nông sản cho các tỉnh phía Nam… bước đầu hình thành các liên kết nội vùng và ngoại vùng tạo ra mối liên hệ thường xuyên, liên tác động  trực tiếp tới sản xuất và đời sống xã hội.

Để phát huy hiệu quả khi triển khai liên kết vùng trong thời gian tới ngành Công Thương Lào Cai rất mong nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ của Bộ ngành Trung ương và hưởng ứng tham gia của các địa phương bằng việc triển khai các văn bản ký kết, thỏa thuận  hoặc phối hợp tổ chức thực hiện tốt các nội dung liên kết, liên doanh giữa Tỉnh với các địa phương.


TBT