CôngThương - Nhìn lại từng nhóm hàng, từng mặt hàng xuất khẩu chính trong 8 tháng đầu năm có thể thấy cơ cấu hàng xuất khẩu cả nước đang diễn biến theo chiều hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang tăng dần qua các tháng. Tuy nhiên, theo thông tin từ các hiệp hội ngành hàng, để đạt được các mục tiêu đề ra vẫn đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các ngành hàng cũng như đối với từng doanh nghiệp.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, trong 4 tháng cuối năm ngành dệt may có thể đóng góp thêm 3,6 tỷ USD so với kế hoạch năm, nếu khai thác tốt các lợi thế về thị trường và tiềm năng nội tại của ngành. Thông tin từ Hiệp hội dệt may cũng cho biết: hiện nay, nhu cầu dệt may của các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đang tăng trở lại do nền kinh tế của các nước này đang dần hồi phục. Các tháng cuối năm cũng là mùa lễ hội ở các nước phương tây do đó nhu cầu về trang phục lễ hội sẽ tăng cao, đây chính là là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may đẩy mạnh xuất khẩu.
Vừa qua, một số doanh nghiệp dệt may đã dự báo được giá nguyên phụ liệu sẽ tiếp tục tăng vào các tháng cuối năm theo biến động giá nguyên liệu trên thị trường thế giới nên nhiều doanh nghiệp đã đón đầu đặt hàng cho 2 quý cuối năm 2009 ngay từ quý 2/2009 - thời điểm giá nguyên liệu ở mức thấp. Việc nắm bắt đúng thời điểm đã giúp cho nhiều doanh nghiệp dệt may tiết kiệm được chi phí đầu vào tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ..
Ngoài thị trường xuất khẩu chính là EU, các thị trường như Nam Phi, Bắc Mỹ đang được coi là các thị trường tiềm năng cho ngành da giày. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp da giày trong nước đang có xu hướng hợp tác với các nhà sản xuất nhóm sản phẩm cao cấp ở Tây Âu để giảm chi phí sản xuất và tận dụng lợi thế của thị trường. Nguồn hàng gia công ổn định từ một số nước như EU, Mỹ đang tận dụng được nguồn lao động dồi dào của nước ta. Tuy nhiên cần phải nâng cao khả năng sản xuất, trình độ của người lao động để đáp ứng tiềm năng của khách hàng. Nếu khai tốt các lợi thế về thị trường, ngành hàng da giầy có thể đóng góp thêm khoảng 2 tỷ USD trong 4 tháng cuối năm so với kế hoạch năm
Từ 1/10/2009, có ít nhất 86% các mặt hàng nông lâm, thủy sản sẽ được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định của Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), trong đó mặt hàng tôm sẽ được giảm thuế suất nhập khẩu xuống 1 đến 2%, các mặt hàng chế biến từ tôm cũng sẽ được giảm mức thuế nhập khẩu. Đây là một lợi thế rất lớn cho xuất khẩu thủy sản từ nay cho tới cuối năm. Chất lượng thủy sản của Việt nam cũng dần đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ các thị trường nhập khẩu. Đối với mặt hàng này, Nhật Bản đang trở thành đối tác nhập khẩu lớn của Việt Nam. Các sản phẩm xuất sang thị trường này phần lớn là các loại cá, mực, bạch tuộc, ghẹ… Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tìm hiểu kỹ các quy định trong VJEPA để tận dụng các lợi thế về ưu đãi thuế nhằm đẩy mạnh phát triển vào thị trường này. Trung Đông cũng là một thị trường rất tiềm năng với nhu cầu khá lớn của về thủy sản cho người Hồi giáo mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng và tìm kiếm nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Đồ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Tuy nhiên tình hình xuất khẩu gỗ trong những tháng gần đây đã có những dấu hiệu khả quan. Kinh tế thế giới tuy chưa thể hồi phục ngay nhưng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất tại các thị trường Nhật Bản đối với mặt hàng đồ gỗ nội thất và thị trường EU đối với các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời trong thời gian gần đây cũng cho thấy khả năng xuất khẩu sản phẩm gỗ trong 4 tháng cuối năm sẽ khả quan hơn. Dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ năm nay sẽ đạt khoảng 2,66 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2008.
Trước những khó khăn và thuận lợi của hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm, bên cạnh những giải pháp điều hành xuất khẩu mang tính vĩ mô, Bộ Công Thương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm bám sát tình hình xuất khẩu 4 tháng cuối năm như: tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông lâm thủy sản, trước hết là việc tiêu thụ nông sản cho một số ngành có lượng hàng hóa lớn và sản xuất tập trung như như lúa gạo, thủy sản và một số nông sản khác nhằm duy trì sản xuất ổn định thu nhập và việc làm cho nông dân.
Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các địa phương, ngành hàng xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang các khu vực ít bị tác động bởi khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường nội địa, đồng thời tạo các điều kiện cơ sở hạ tầng vật chất cần thiết của hệ thống phân phố giúp các doanh nghiệp xuất khẩu chiếm lĩnh và đứng vững tại thị trường trong nước….
Nguồn: Nguyễn Huế-Báo Công Thương