Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 134/2004/NĐ-CP về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và 2 năm thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012, công tác khuyến công của tỉnh An Giang đã đạt được kết quả tốt. Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, đào tạo dạy nghề, cấy nghề, nâng cao năng lực quản lý cho chủ cơ sở, hỗ trợ đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại phục vụ cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh…góp phần vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp địa phương. Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh An Giang, tổng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn giai đoạn 2005-2009 đạt 11.395,33 tỷ đồng tăng 3,89 lần so với giai đoạn 2000-2004, tăng bình quân 24,95% so với mức tăng bình quân ngành công nghiệp là 16,56%, tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2005-2009 là 55%; Giá trị tăng thêm công nghiệp nông thôn tăng bình quân 21,67%/năm; Tổng giá trị xuất khẩu công nghiệp nông thôn (2005-2009) đạt 2.060,353 triệu USD chiếm 78% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh với tốc độ tăng trưởng 31,69% góp phần đáng kể trong phát triển công nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, số lượng cơ sở công nghiệp nông thôn tăng qua các năm cũng như lực lượng lao động được giải quyết việc làm ngày càng tăng. Toàn tỉnh có 10.961 cơ sở công nghiệp nông thôn, tăng 20,4%, sử dụng 97.789 lao động tăng 68,5% với tổng mức vốn đầu tư là 3.996,75 tỷ đồng và có 2.442 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thành lập mới. Điều này đã tạo điều kiện từng bước công nghiệp hoá hoạt động kinh tế nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, tỉnh An Giang đã tiến hành nâng cao trình độ cũng như năng lực quản lý cho các cơ sở kinh doanh công nghiệp nông thôn và tạo điều kiện cho các cơ sở hội nhập kinh tế. Các chương trình đào tạo được lồng ghép phối hợp với nhiều hiệp hội có uy tín như hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã… nhằm đạt được hiệu quả cao trong công tác khuyến công.
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến và khảo sát cũng được chú trọng tại địa phương. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp An Giang cho biết, trung tâm đã tạo điều kiện và hỗ trợ cho nhiều DN tham gia các hội chợ như: hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hội chợ ĐBSCL, hội chợ biên giới cũng như việc tổ chức khảo sát nhiều làng nghề truyền thống để có định hướng phát triển phù hợp theo hướng công nghiệp hoá sản phẩm từ nông thôn; Tiến hành tư vấn đầu tư đổi mới thiết bị, đầu tư dây chuyền sản xuất mới từ nguồn vốn chương trình khuyến công quốc gia và nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến công của tỉnh. Tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại một cách dễ dàng nhằm đẩy mạnh công tác phát triển sản xuất ngày càng tích cực và hiệu quả hơn… Nhìn chung hầu hết các chính sách hỗ trợ đã tác động có hiệu quả đến hoạt công nghiệp nông thôn theo diện rộng, góp phần từng bước phát triển kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp
Tuy nhiên, hoạt động khuyến công An Giang cũng gặp phải những khó khăn nhất định do DN công nghiệp nông thôn chưa mạnh dạn đầu tư chiều sâu, đội ngũ lao động còn thiếu chuyên nghiệp và chưa có tác phong công nghiệp, thiếu đa dạng hoá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đặc biệt là chưa có mạng lưới cộng tác viên cấp xã cho việc đẩy nhanh, mạnh công tác khuyến công vào trong nhân dân, DN… Do đó, để phát triển tốt trong thời gian tới cần có những điều chỉnh phù hợp như: sớm hình thành và đưa vào hoạt động quỹ khuyến công nhằm hỗ trợ kịp thời cho các DN sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, phát triển cơ sở hạ tầng các cụm CN-TTCN và làng nghề, hình thành các điểm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản qui phạm pháp luật về tổ chức bộ máy và cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến công; Phát triển mạng lưới chân rết rộng khắp đến các địa phương để hoạt động khuyến công ngày càng đi sâu rộng vào đời sống kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực và hướng tới sự nghiệp công nghiệp hoá nông thôn trong phát triển kinh tế địa phương…/.
Nguồn: Ven.vn