"Cho đến thời điểm này, sau một thời gian nỗ lực đổi mới sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu khách hàng và tìm kiếm thị trường mới, Hợp tác xã ( HTX ) chúng tôi đã có thể duy trì, thậm chí vẫn phát triển được sản xuất, kinh doanh ( SXKD ) và đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động, với mức thu nhập ít nhất cũng phải bằng năm ngoái ". Ông Đinh Văn Tỉnh, Chủ nhiệm HTX mây tre Tăng Tiến, xã tăng Tiến, huyện Việt Yên ( Bắc Giang ), phấn khởi cho biết, ngay sau khi vừa tiễn đoàn khách người Nhật Bản tới thăm mẫu mã một số sản phẩm tại cơ sở sản xuất tập trung của HTX.

 

HTX mây tre Tăng Tiến là một cơ sở sản xuất hàng mây tre nổi tiếng nhất từ nhiều năm nay ở Bắc Giang và đang tạo việc làm, thu nhập thường xuyên không chỉ cho 80 lao động tại cơ sở sản xuất tập trung, với mức thu nhập mỗi lao động từ 40-60 ngàn đồng/ ngày mà còn cho từ 3000-4000 lao động chẻ tăm mành ngay tại gia đình họ ở nhiều xã của huyện Việt Yên và Yên Dũng ( Bắc Giang ), với mức thu nhập mỗi lao động từ 30-40 ngàn đồng/ngày. HTX hiện có 100 máy dệt mành tre và sản xuất ra hàng trăm mã hàng mây tre. Sản phẩm của HTX chủ yếu là rổ, rá, mành tăm và các sản phẩm từ mành tăm như rèm cửa, thảm trải bàn, tranh, túi xách các loại...để xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Xinhgapo, các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, Tây Âu và một số ít nước châu Phi. Do luôn đảm bảo chất lượng, mẫu mã các sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và giữ được chữ tín với bạn hàng nên nhiều năm qua, HTX đã duy trì và ngày càng mở rộng SXKD. Doanh thu của HTX năm 2008, đạt 2,2 tỷ đồng và năm 2009, phấn đấu đạt 2,5 tỷ đồng ( riêng trong 2 tháng đầu năm nay đã đạt 400 triệu đồng ).
 
 
Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ sản phẩm ở ngoài nước nên khi kinh tế thế giới suy giảm trong thời gian gần đây, SXKD của HTX đã chịu ảnh hưởng ngày càng rõ. Ngay từ cuối năm 2008, ông Tỉnh đã nhận thấy lượng khách hàng và số lượng hợp đồng đặt hàng của HTX giảm rõ, những khách hàng lớn thì đặt giảm số lượng sản phẩm và yêu cầu giảm giá hàng, nhiều khách hàng chậm chuyển tiền trả cho HTX. Trước tình hình này, ông đã bỏ nhiều công tìm hiểu và quyết định tự mình phải cải tiến mẫu mã sản phẩm theo hướng đẹp hơn theo thị hiếu của khách hàng nhưng vẫn giữ nguyên giá, phát huy thế mạnh sản phẩm hàng hoá của HTX để cố gắng duy trì được các thị trường nước ngoài truyền thống và nỗ lực tìm kiếm, tận dụng lợi thế thị trường nội địa để tiêu thụ các sản phẩm mành tre phù hợp nhu cầu khách hàng, giá cả phải chăng như mành để làm rèm treo cửa, bình phong, đèn lồng, tranh, thư pháp...Chỉ riêng việc đổi mới mẫu mã sản phẩm, HTX đã đầu tư 200 triệu đồng ( đợt 1 ) để cải tiến một số máy dệt từ dệt mành tre trơn thành dệt mành tre hoa văn. Qua tìm hiểu, ông Tỉnh nhận thấy, sản phẩm của HTX có thể tiêu thụ ngay trong nước, ở những địa phương có nhiều du khách nước ngoài nên đã tích cực tham gia các hội chợ trong nước để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng mới tại các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh...và đến nay, HTX đã có thêm nhiều bạn hàng mới ở trong nước.
 
 Theo ông Tỉnh, mẫu mã mỗi sản phẩm của HTX làm ra đều phải theo thị hiếu của bạn hàng ở từng nước, sau khi họ xem mẫu mã và đặt hàng. Mầu sắc mỗi sản phẩm cũng tuỳ thuộc vào sở thích của khách hàng theo từng mùa như mùa hè khách thường ưa sản phẩm có màu nền nã, nhưng mùa đông lại thường thích những màu sặc sỡ. Do vậy, HTX sản xuất theo đơn đặt hàng và sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ hết. Có hợp đồng chỉ sản xuất rèm cửa cho những khách sạn 3 hay 5 sao, HTX cũng phải làm đến nửa năm mới xong. Ngay trong thời điểm hiện nay, HTX cũng đã có rất nhiều đơn đặt hàng, nhiều khi người lao động phải làm cả đêm mới đảm bảo kịp thời gian giao hàng cho khách. Ông đang hy vọng, sắp tới, khi sản phẩm mới là túi xách làm từ mành tre đã có chỗ đứng rộng rãi trên thị trường thì doanh số của HTX sẽ còn tăng hơn và thu nhập của người lao động sẽ cao hơn năm ngoái./.
     
 
Như Kính