Từ lâu, mỳ gạo sản xuất tại thôn Thủ Dương, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang mà người tiêu dùng quen gọi là Mỳ Chũ khá nổi tiếng trên thị trường, nghề chế biến nông sản nơi đây tạo được nhiều việc làm thường xuyên, thu nhập khá cho người dân địa phương.
Chúng tôi về Thủ Dương vào một ngày xuân đầy nắng. Các con đường trong thôn đã bê tông hoá như càng sáng hơn bởi màu trắng của những dàn bánh tráng phơi dựa vào các tường xây bao quanh nhà ở, vườn cây của các gia đình. Thôn Thủ Dương chỉ cách thị trấn Chũ ( huyện lỵ Lục Ngạn ) một cây cầu bắc qua sông Chũ. Cũng như nhiều địa phương khác ở huyện Lục Ngạn, Thủ Dương cũng trồng khá nhiều vải thiều nhưng thu nhập chính của người dân trong thôn lại từ nghề làm mỳ gạo. Mỳ ở Thủ Dương rất thơm ngon, khi chín sợi mỳ dẻo và dai, không bị nát nên là món ăn được nhiều người ưa thích. Theo ông Nguyễn Xuân Chuyên, Bí thư Chi bộ thôn Thủ Dương, thôn hiện có 294 hộ, 1300 nhân khẩu thì có tới 250 hộ làm nghề sản xuất mỳ, thu hút thường xuyên từ 700-800 lao động, với mức thu nhập mỗi lao động từ 50-60 ngàn đồng/ngày. Trước đây, việc xay bột, tráng và thái bánh trong quy trình sản xuất mỳ ở Thủ Dương vẫn theo phương pháp thủ công, năng suất thấp nhưng từ năm 2005, nhiều hộ trong thôn đã đưa máy móc vào sản xuất nên năng suất tăng lên gấp nhiều lần. Nếu như trước đây, việc xay bột, tráng bánh, thái bánh thành sợi mỳ đều bằng tay, một lò chỉ chế biến được từ 20-25 kg gạo mỗi ngày thì khi sử dụng một máy xay và một máy tráng bánh, một lò sẽ chế biến được từ 500-700 kg gạo mỗi ngày (cứ 5 kg gạo làm ra từ 4,5-4,7 kg mỳ ). Hiện nay, các hộ làm mỳ trong thôn đều có máy thái bánh, có 50 hộ sử dụng máy xay và máy tráng bánh ( ngoài xay, tráng bánh của gia đình còn làm dịch vụ này cho các hộ khác trong thôn ), bình quân mỗi ngày cả thôn chế biến từ 13-15 tấn gạo thành mỳ. Để đảm bảo chất lượng mỳ, các hộ làm mỳ trong thôn đều có bản cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay chất phụ gia mà vẫn sản xuất mỳ theo phương pháp cổ truyền và phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do luôn quan tâm đảm bảo chất lượng để giữ uy tín của làng nghề nên việc tiêu thụ mỳ ở Thủ Dương khá thuận lợi, mỳ làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó và đã được bán tại phần lớn các tỉnh, thành phố miền Bắc và nhiều địa phương phía Nam. Thu nhập từ nghề làm mỳ cũng rất khá, bình quân làm 100 kg gạo thành mỳ thu lãi khoảng 400.000 đồng và hầu hết các hộ trong thôn( trừ những gia đình không có lao động như già cả, tàn tật...) đều có thu nhập từ nghề này. Cả thôn hiện có 50 hộ giàu, 200 hộ khá, đều là các hộ có nghề làm mỳ; năm 2008, còn 24 hộ nghèo và năm nay, phấn đấu chỉ còn 5 hộ.
Người trong thôn kể lại rằng nghề làm mỳ gạo ở thôn Thủ Dương do một số người gốc Hoa đem về từ khoảng giữa những năm 1950 và phát triển mạnh từ những năm 1980 trở lại đây. Gạo để làm mỳ phải là loại gạo ngon, trắng, sạch, không dính khi tráng thành bánh. Trước đây, bà con thường chỉ làm mỳ từ loại gạo ngon tại địa phương nhưng khi sản lượng mỳ tăng lên nhiều trong những năm gần đây thì còn nhập thêm các loại gạo ngon, đảm bảo đúng tiêu chuẩn làm mỳ như bao thai hồng, gạo không số...từ các địa phương khác. Nguồn nước làm mỳ là nước tự nhiên lấy từ các giếng khoan được lọc sạch qua các bể lọc của các hộ gia đình. Việc sản xuất mỳ theo một quy trình liên hoàn nên người dân làm không hết việc. Cứ vào mỗi chiều tối thì vo gạo và xay bột, rồi ngâm bột để đến sáng hôm sau tráng và phơi bánh ( nếu trời không nắng thì sấy bằng lò than ). Từ khoảng gần trưa đến chiều khi bánh khô thì nhặt bánh đem chần mỡ ( mỡ lợn đã rán ), rồi ủ, gấp bánh để đến sáng hôm sau thái bánh thành sợi và lại đem phơi khô, bó thành từng bó bánh và đóng gói thành phẩm. Các công đoạn trên, cũng có công đoạn do nhiều người chia nhau làm cùng lúc hoặc một người tham gia làm nhiều công đoạn theo từng thời điểm trong ngày và cứ tuần tự luân vòng như vậy hết ngày này đến ngày khác. Tuy nhiên, để làm ra sản phẩm mỳ đặc thù của Thủ Dương cũng không dễ mà đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Theo cụ Nguyễn Đức Trụ, 92 tuổi, các công đoạn làm mỳ, nhất là phơi bánh, nhặt bánh, chần mỡ, ủ và gấp bánh...làm phải đúng lúc, đúng kỹ thuật mới đảm bảo chất lượng mỳ, điều này có lẽ chỉ người trong nghề mới đúc rút ra được. Anh Đỗ Văn Thanh, 28 tuổi, cho biết: Từ 7-8 tuổi, đã phụ giúp bố mẹ làm mỳ và vợ chồng anh đứng ra làm mỳ riêng từ hàng chục năm nay. Là người đầu tiên trong thôn đưa máy xay, máy tráng bánh vào làm mỳ, anh đã đầu tư gần 70 triệu đồng mua máy xay bột, máy tráng bánh, máy thái bánh, dàn thái mì ( dàn phơi mỳ đã thái thành sợi ). Hiện bình quân mỗi ngày anh tiêu thụ từ 400-500 kg gạo ( cả làm dịch vụ cho các hộ khác ), ngày nhiều lên đến 800 kg gạo và ngoài lao động của gia đình, anh thường xuyên thuê thêm 2 lao động, với mức thu nhập mỗi lao động từ 50-70 ngàn đồng/ngày. Với giá gạo và giá mỳ hiện nay, người làm mỳ có mức lãi khá lớn, thị trường tiêu thụ lại ổn định.
Ông Chuyên cho biết thêm: Trong trận lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 6 cuối năm 2008, thôn Thủ Dương bị thiệt hại rất nặng, vài chục tấn gạo nguyên liệu, hàng tấn mỳ thành phẩm bị ngâm nước và 40 máy tráng bị hỏng (chỉ các gia đình ở trên núi không bị hỏng máy), thiệt hại cả thôn lên đến vài tỷ đồng. Bên cạnh sự nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt của các gia đình, Quỹ khuyến công tỉnh đã hỗ trợ 166 hộ trong thôn với tổng số tiền trên 155 triệu đồng để sửa chữa máy móc nên chỉ vài tháng sau thôn đã khôi phục sản xuất mỳ bình thường như trước khi bị lũ lụt và hiện việc sản xuất, tiêu thụ mỳ của thôn vẫn tốt, sản lượng mỳ vẫn giữ được mức như thời điểm này năm ngoái. Thôn đang đề nghị cấp trên hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mỳ làng nghề lấy tên Mỳ Chũ và tiếp tục quảng bá sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ để nghề sản xuất mỳ ngày càng phát triển và Mỹ Chũ đến được với nhiều người tiêu dùng trong nước hơn nữa./.
Như Kính
Tin đã đăng