Sau nhiều năm có nguy cơ mai một, đến thời điểm trước Tết Nguyên đán năm nay, làng tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành ( Bắc Ninh) đang có sức sống trở lại, trở thành một điểm tham quan du lịch văn hoá có sức hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước. Tuy chỉ còn ba gia đình làm tranh là gia đình các nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Trần Nhật Tấn và Nguyễn Hữu Sam nhưng sản phẩm tranh được sản xuất ra vẫn được tiêu thụ với sản lượng rất đáng mừng.
 
         Tranh Đông Hồ hiện nay của các nghệ nhân cao tuổi đều được làm theo phong cách tranh dân gian Trung Quốc nhưng vẫn giữ sắc thái dân tộc độc đáo, cổ truyền. Chất liệu tranh trở lại đựợc dùng loại giấy dó bền dai do nhân dân làng giấy Phong Khê ( thành phố Bắc Ninh ) khai thác, chế biến từ cây dó có sẵn tại nhiều địa phương trong tỉnh. Giấy này được phủ lớp điệp làm nền nên xốp nhẹ, mềm mại có màu sáng lóng lánh, gợi cảm giác ấm áp. Chất liệu điệp được đặt mua từ nhiều vùng duyên hải Thuỷ Nguyên, Yên Hưng ( Hải Phòng ) và nhiều nơi có nguồn trai điệp khác rất có cơ hội chủ động. Điệp được giã nhỏ lấy bột trộn với hồ nếp quét lên mặt giấy in tranh. Cụ Nguyễn Đăng Chế ngoài sưu tầm, tìm mua, lưu giữ hàng trăm bản khắc cũ bằng các loại gỗ thị, gỗ thơm, gỗ có thớ nhỏ mịn để in tranh cho đa dạng, phong phú còn sáng tạo ra loại tranh khắc dương bản độc đáo, màu in được tự chế, khai thác ngay tại địa phương, trong đó màu đen lấy từ tro lá tre hoá tươi, màu đỏ từ son, màu lục từ lá cây chàm...dùng làm nhiều loại lịch tranh, bưu ảnh tranh, tranh bộ các cỡ khách hàng ưa chuộng. Với cách làm tranh này cụ không những đã phát triển được dòng tranh cổ quê nhà mà còn giới thiệu, quảng bá tranh ra nhiều nơi trong và ngoài nước. Nhiều gia đình nghệ nhân khác cũng sản xuất nhiều tranh, bán được ra thị trường có nguồn thu trang trải cho những nhu cầu cần thiết trong đời sống. Dòng tranh Đông Hồ lại được nhièu người xa gần chú ý, quan tâm thật sự.
 
              Trong những ngày áp Tết, làng tranh Đông Hồ tấp nập du khách ra vào, mua bán, đưa tranh đi khắp ngả. Không khí của làng có phần sôi động hẳn lên, báo hiệu khá rõ tín hiệu đáng mừng của dòng tranh xuân truyền thống./.
           
 Đàm Dũng