Ngày 14 tháng 12 năm 2011, Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2011 chính thức được khai mạc tại trụ sở Bộ Công Thương. Nhân sự kiện này, Trang thông tin điện tử Bộ Công Thương xin đăng toàn văn Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại phiên khai mạc Hội nghị.


Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo đại diện các Bộ, ngành cùng toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị,

Trước hết, thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, tôi xin cám ơn và nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại Lãnh đạo các Bộ ngành, Lãnh đạo các Hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty, các Cơ quan thông tin đại chúng và toàn thể các đại biểu đã tới tham dự Hội nghị Tham tán năm 2011 hôm nay.

Thưa các đồng chí, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán năm 2011 nhằm đánh giá kết quả hoạt động của các thương vụ trong thời gian qua và thảo luận, quán triệt kế hoạch công tác trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để Bộ Công Thương phổ biến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước, những yêu cầu đòi hỏi với công cuộc phát triển đất nước trong bối cảnh mới, đồng thời là dịp để phổ biến, quán triệt những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước nói chung và đối với Ngành Công Thương và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng trong thời gian tới.

Hội nghị Tham tán năm 2011 lần này cũng đồng thời được tổ chức cùng với Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27, và sáng nay (14/12/2011) Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và chỉ đạo tại phiên làm việc chung của Hội nghị Ngoại giao và Thương mại năm nay.

Thưa các đồng chí, Hội nghị Tham tán 2011 diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị lần này.

Năm 2011 là năm đầu tiên chúng ta 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 với mục tiêu chủ yếu được xác định là phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự an toàn xã hội; Tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…

Năm 2011 cũng là năm đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, văn bản pháp lý quan trọng để công tác đối ngoại nói chung và phát triển thị trường ngoài nước nói riêng được tổ chức, phát huy hiệu quả một cách mạnh mẽ hơn.

Thưa các đồng chí,

Tình hình kinh tế trong nước và thế giới năm 2011 cũng như dự báo cho thời gian tiếp theo cho thấy những biến động phức tạp khó lường, đã và sẽ tạo ra không ít thách thức, khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung cũng như công tác hội nhập, phát triển thị trường ngoài nước nói riêng:

- Quy mô các hoạt động kinh tế toàn cầu có nguy cơ tiếp tục giảm sút do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nợ công và lạm phát tăng cao ở hầu khắp các nước, khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi- Trung Đông, biến đổi khí hậu và thiên tai, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành năng lượng, tài nguyên và biển đảo... tiếp tục có những diễn biến phức tạp và chưa thấy có dấu hiệu được cải thiện rõ ràng.

- Xu thế toàn cầu hóa tiếp tục phát triển về quy mô và hình thức biểu hiện, quốc tế hóa mọi mặt đời sống.

- Cục diện quốc tế mới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang hình thành, đang định hình cấu trúc liên kết mới, tại khu vực với vai trò trung tâm của ASEAN. Các nước ASEAN tuy còn nhiều khó khăn nhưng sẽ thúc đẩy liên kết nội khối để hoàn thành xây dựng cộng đồng kinh tế (AEC) vào năm 2015, tiến tới xây dựng Cộng đồng chung theo Hiến chương ASEAN.

- Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục bị tác động mạnh bởi biến động giá nguyên nhiên vật liệu, đã hình thành mặt bằng giá mới ở mức cao trong các năm 2010 -2011 và sẽ có thể tiếp tục biến động theo xu hướng tăng ở những năm tiếp sau.

- Biến đổi khí hậu toàn cầu, trái đất nóng dần lên sẽ có thể gây ra hạn hán và ngập lụt trên diện rộng và hệ quả là giá lương thực, thực phẩm có thể tiếp tục tăng.

Trước bối cảnh đó, nền kinh tế trong nước mặc dù tiếp tục tăng trưởng khá, duy trì được ổn định và giữ vững được các cân đối lớn nhưng vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy đã giảm dần nhưng tính chung cả nước vẫn rất cao, lãi suất vẫn ở mức cao, thanh khoản của ngân hàng và cả nền kinh tế còn khó khăn, nợ xấu có dấu hiệu tăng lên, nhu cầu ngoại tệ và sức ép tỷ giá khá lớn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán trầm lắng. Việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát có kết quả, nhưng hệ quả là các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, sản phẩm tiêu thụ chậm… ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô. Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng tăng chậm lại, sản xuất nông nghiệp bị tác động không nhỏ của thiên tai, lũ lụt.

Tình hình trên đặt ra thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như các hoạt động hội nhập, phát triển thị trường ngoài nước nói riêng.

Thưa các đồng chí,

Trong bối cảnh đó, cùng với các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước, Bộ Công Thương đã hết sức nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp nhất quán, đồng bộ của Chính phủ nhằm bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, kết quả cơ bản đạt được của Ngành đạt được trong năm 2011 thể hiện ở một số nét chủ yếu như sau:

- Về sản xuất công nghiệp:

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 915,86 nghìn tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2010. Bộ Công Thương đã chỉ đạo và tổ chức triển khai đồng loạt các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ. Chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện tiết kiệm đầu tư công đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất và đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất.

- Về thị trường trong nước:

Các cân đối cung cầu trong nước, đặc biệt là đối với các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của xã hội đã được bảo đảm. Từ đầu năm, Bộ Công Thương đã chủ động cùng với các Bộ, ngành, địa phương rà soát cân đối cung cầu hàng hoá, đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn thị trường trong từng thời kỳ. Đồng thời, kiên quyết xử lý các hành vi tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường.

Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cả năm 2011 đạt 1.994.000 tỷ đồng, tăng khoảng 29,3% so với năm 2010, cân đối cung cầu một số mặt hàng trọng yếu 2011 bảo đảm với mức giá nhìn chung hợp lý.

- Về công tác xuất nhập khẩu:

Tiếp tục thực hiện mục tiêu của Đảng và Chính phủ đặt ra cho ngành Công Thương là duy trì tăng trưởng xuất khẩu cao và ổn định, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nhập siêu và cải thiện cán cân thanh toán. Đẩy mạnh xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển sản xuất thay thế có hiệu quả hàng nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được phù hợp với các cam kết quốc tế. Thị trường xuất khẩu hàng hóa ngày càng được mở rộng và đa dạng, đã bước đầu xác lập được một số thị trường đối tác hợp tác toàn diện/ thị trường đối tác chiến lược. Nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao, đáp ứng được nhu cầu nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị và hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của dân cư.

Dự báo khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (tăng 3 lần) trong đó nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (không quá 18%), đã góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá.

- Về công tác hội nhập kinh tế quốc tế:

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng lần thứ XI, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương cùng với các Bộ ngành trong Chính phủ đã tích cực tham gia các sự kiện quốc tế quan trọng, tăng cường hợp tác tích cực và có trách nhiệm trong khối ASEAN, APEC, WTO, và các tổ chức quốc tế khác, khai thác có hiệu quả các thị trường có hiệp định mậu dịch tự do để tăng nhanh xuất khẩu, tiếp tục triển khai đàm phán các Hiệp định quan trọng như hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, Hiệp định Việt Nam – EU, kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Chi-lê.

Trong thành tích của toàn ngành Công Thương trong năm 2011 nói riêng và trong suốt giai đoạn vừa qua nói chung, có vai trò đóng góp hết sức quan trọng của công tác thị trường ngoài nước, trong đó những người trực tiếp thực hiện công tác này chính là các Cơ quan Thương vụ của Việt Nam, các đồng chí Tham tán, Trưởng chi nhánh, Tùy viên Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã không ngừng nỗ lực cùng các Đơn vị thuộc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và công đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, tôi xin cám ơn sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành, các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp đã cùng với Ngành Công Thương và các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao cho.

Thưa các đồng chí,

Trong bối cảnh năm 2011 và dự báo những năm tiếp theo, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức,tình hình trong nước và thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường…, thì việc xác định những định hướng và nội dung cơ bản của công tác thị trường ngoài nước cần được coi là một trong những công tác có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất, đáp ứng mục tiêu gắn kết sản xuất trong nước với lưu thông, gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành nói riêng và cả nước nói chung trong năm 2011 và những năm tiếp theo, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của cả nước, nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Với tiêu chí và mục đích đó, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán năm 2011 để tổng kết lại công tác thị trường ngoài nước trong thời gian vừa qua và xác định biện pháp cụ thể cần tập trung triển khai trong thời gian tới nhằm quán triệt trách nhiệm và nhiệm vụ đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và công tác hội nhập quốc tế mà Đảng và Chính phủ đặt ra cho Bộ Công Thương triển khai thực hiện trong giai đoạn nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và nhiệm kỳ Chính phủ của Quốc hội khoá XIII.

Hội nghị Tham tán năm 2011 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức năm nay sẽ có sự tham gia của tất cả các đồng chí hiện là các Tham tán, Trưởng chi nhánh, Tùy viên và Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam đang công tác nhiệm kỳ tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ trực tiếp đối thoại, trao đổi những vấn đề cụ thể mà phía các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm.

Sự liên hệ mật thiết và sự trao đổi thông tin giữa các Đơn vị thuộc Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói chung và của các đồng chí Tham tán, Trưởng chi nhánh, Tùy viên Thương mại nói riêng với các đồng chí cán bộ của các Bộ ngành hữu quan, các Hiệp hội, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty và doanh nghiệp là hết sức quan trọng, đóng vai trò cơ bản cho sự thành công chung của cả ngành Công Thương và của từng doanh nghiệp.

Thưa toàn thể Hội nghị,

Như đã nêu trên, mặc dù đã đạt được một số kết quả khích lệ trong thời gian qua nhưng yêu cầu, thách thức đặt ra trong thời gian tới là hết sức nặng nề. Mục tiêu, yêu cầu đặt ra cho Ngành Công Thương trong năm 2012 cũng như Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 là rất nặng nề. Theo chỉ tiêu Kế hoạch năm 2012:

Đối với sản xuất công nghiệp

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2012 khoảng 6,0-6,5%, ngành Công Thương phấn đấu đạt những mục tiêu: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng khoảng 12,9%, tương ứng với giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 1994) tăng 13,0% so với năm 2011); Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp tăng khoảng 7,5% so với thực hiện năm 2011 (công nghiệp và xây dựng tăng 7%).

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, năm 2012 ngành Công Thương cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng: chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện các đột phát lớn trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020; cụ thể là tham gia tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung vào hệ thống sản xuất và phân phối điện…

Để đạt được kết quả nêu trên, ngành Công Thương cần triển khai thành những hành động cụ thể như sau:

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,0-6,5%.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, phát triển ngành công nghiệp và xây dựng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có nhiều sản phẩm xuất khẩu. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, công nghiệp cơ khí trọng điểm. Áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản.

Đối với hoạt động thương mại trong năm 2012

- Phấn đấu xuất khẩu tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,5 tỷ USD.

- Nhập khẩu khoảng 121,5 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2011. Như vậy, nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đối với thị trường trong nước

- Bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống; cơ bản hoàn thành quy hoạch phát triển các hệ thống phân phối và hệ thống sản xuất các mặt hàng quan trọng, thiết yếu; Từng bước phát triển hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi), trước hết tại các thành phố và các đô thị lớn. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

- Với định hướng phát triển kinh tế xã hội năm 2012 của Chính phủ vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, các chính sách tiền tệ và tài khoá về cơ bản sẽ chưa được nới lỏng nên mức cung tiền chưa tăng; kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, các gói cứu trợ còn phải tiếp tục duy trì sẽ gây lạm phát, giá hàng hoá thế giới tăng do lạm phát sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và sức mua trong nước. Dự kiến tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 2012 tăng khoảng 20% so với năm 2011, ước đạt khoảng 2.257 nghìn tỷ đồng.

Đối với hội nhập kinh tế quốc tế

- Tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các bình diện song phương, khu vực và đa phương.

- Từng bước nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong ASEAN; tích cực tham gia các khuôn khổ hợp tác như APEC - ASEM; tăng cường tận dụng các cơ hội do APEC - ASEM mang lại để nâng cao năng lực và giải quyết các vấn đề kinh tế - thương mại song phương, khu vực.

Đối với Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 – 2015, yêu cầu đặt ra đối với Ngành Công Thương cũng rất nặng nề, thể hiện qua một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

Về sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,0-10,0%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân toàn ngành tăng 13,5%/năm. Tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%/năm (trong đó, công nghiệp tăng khoảng 7,9%/năm).

Về xuất nhập khẩu: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 12,1%/năm. Phấn đấu đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 133 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 11,5%/năm, dự kiến là 146 tỷ USD vào năm 2015. Như vậy, nhập siêu năm 2015 khoảng 9,8% so với kim ngạch xuất khẩu.

Về Thị trường trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 20%/năm. Phấn đấu đến năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 4.000 nghìn tỷ đồng.

Về hội nhập kinh tế quốc tế: Cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cơ hội và thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.

Thưa các đồng chí,

Với mục tiêu, yêu cầu đặt ra như trên, tôi đề nghị các Thương vụ, các đơn vị trong Ngành Công Thương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác như sau:

1. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, góp phần đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liêu trong nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm, v.v…

2. Kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư và hợp tác công nghiệp; tìm kiếm, vận động các đối tác nước ngoài tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên liêu thay thế nhập khẩu và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu.

3. Chủ động và phối hợp với trong nước phát hiện nhu cầu hàng hoá, khả năng thu hút đầu tư từ bên ngoài và triển khai đầu tư từ trong nước trên thị trường nước sở tại, đề xuất với Bộ cơ chế, chính sách phù hợp với pháp luật của ta và của địa bàn nước ngoài phục vụ phát triển sản xuất và xuất khẩu.

4. Tích cực tham gia vào công tác hạn chế nhập siêu thông qua việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị đối với từng thị trường, trước hết là các thị trường nhập khẩu chính mà ta đang nhập siêu lớn.

5. Tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác hội nhập của Bộ và của ngành theo hướng chủ động nâng cao hiệu quả cả về vĩ mô cũng như vi mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của lĩnh vực thương mại nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế nói chung trên thị trường thế giới.

6. Tích cực tham gia triển khai một cách thiết thực và có hiệu quả Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài; thu hút, vận động vận động giới doanh nghiệp kiều bào Việt Nam tham gia hợp tác mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam, xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút kiều hối, v.v…

Thưa các đồng chí,

Công tác phát triển thị trường ngoài nước, hội nhập quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng góp phần vào tiến trình phát triển đổi mới kinh tế - xã hội trong nước. Trước những cơ hội, thách thức cũng như khó khăn, thách thức nêu trên, tôi đề nghị các đồng chí thông qua Hội nghị lần này sẽ có những trao đổi, thống nhất những yêu cầu, nhiệm vụ cũng như thống nhất các giải pháp, nội dung công việc sẽ triển khai trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả hơn nữa.

Cuối cùng, xin cảm ơn toàn thể Hội nghị và xin gửi lời chúc tới toàn thể các đồng chí lời chúc sức khoẻ, thành công.

Chúc Hội nghị Tham tán năm 2011 thành công tốt đẹp!
 

 

Văn phòng Bộ