Kết quả thực hiện năm 2015
Đối với công tác triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Bộ Công Thương đã tổ chức tổng kết Phong trào thi đua của ngành Công Thương giai đoạn 2011-2015 và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương tại Văn bản số 97/BC-BCT ngày 06 tháng 10 năm 2015. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 của các địa phương, các cơ quan, đơn vị, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, Bộ Công Thương quyết định trao tặng 26 cờ thi đua và 188 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015.
Tại các địa phương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức các cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí số 4, số 7; kết quả phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, thành phố và tổ chức đoàn đi kiểm tra và tham gia các đoàn kiểm tra nông thôn mới tại các huyện, xã trong tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí số 4 và số 7 đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh, thành phố; kế hoạch thực hiện hai tiêu chí trên trong các năm tiếp theo... gửi đến Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh để phối hợp triển khai thực hiện.
Công tác hướng dẫn đánh giá tiêu chí nông thôn mới
Trong năm 2014 và 2015, trên cơ sở kiểm tra thực tế và nhận được phản ánh của các địa phương về những khó khăn trong quá trình đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7; Bộ Công Thương đã nhanh chóng nghiên cứu, xây dựng và ban hành 2 Quyết định về hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 gửi các địa phương biết và triển khai thực hiện, cụ thể như sau: Quyết định số 12151/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 7 về chợ trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; Quyết định số 10286/QĐ-BCT ngày 08 tháng 10 năm 2015 về phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (để giải quyết vướng mắc của các địa phương trong việc có hay không đánh giá lại các xã đã đạt tiêu chí số 4, trong Quyết định trên, Bộ Công Thương đã nêu rõ: “Đối với các xã đã đánh giá hoàn thành và đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn thì không áp dụng đánh giá lại”).
Ở các địa phương, các Sở Công Thương đã xây dựng các văn bản hướng dẫn phương pháp đánh giá, thẩm định tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7 theo hướng dẫn của Bộ Công Thương tại Quyết định số 12151/QĐ-BCT và Quyết định số 10286/QĐ-BCT. Các văn bản hướng dẫn này được gửi đến Ban Chỉ đạo cấp huyện, Công ty điện lực cấp tỉnh để triển khai thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo đạt được hiệu quả cao.
Trong tháng 11 năm 2015, Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn phổ biến hướng dẫn phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn và tiêu chí số 7 về chợ nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới tại khu vực phía Nam, khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cho 160 đại biểu (chủ yếu là Lãnh đạo Sở Công Thương, các cán bộ của Sở Công Thương trực tiếp theo dõi hai tiêu chí trên và đại diện Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Kết thúc 2 hội nghị, đa số các đại biểu đánh giá tích cực về nội dung chương trình. Phần trình bày nội dung tập huấn và trao đổi, hỏi đáp của đại diện Ban Chỉ đạo Bộ Công Thương cơ bản đáp ứng được các kiến nghị của các đơn vị.
Kết quả thực hiện tiêu chí số 4 về điện nông thôn và tiêu chí số 7 về chợ nông thôn
Trong năm 2015, ngoài các xã đã được công nhận đạt chuẩn từ trước, đối với các xã chưa đạt chuẩn, Sở Công Thương đã tổ chức, thành lập Đoàn kiểm tra nhằm đánh giá, thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn tiêu chí số 4 với các tiêu chí đánh giá theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Sau quá trình kiểm tra, hiện nay, toàn quốc có 6.330 xã đạt tiêu chí số 4, chiếm 70,6% tổng số xã trên cả nước, tăng 394 xã so với năm 2014.
Đến nay, toàn quốc có 2.821 xã đạt tiêu chí số 7 chiếm 31,4% tổng số xã trên cả nước, tăng 480 xã so với năm 2014. Một số khu vực có số xã đạt tiêu chí số 7 còn thấp, nguyên nhân chủ yếu do chợ trung tâm các xã thuộc các khu vực này đã xuống cấp chưa đạt được về chất lượng của các hạng mục như gian hàng, kiốt trong chợ, khu xử lý rác thải, chưa có hệ thống phòng cháy, chữa cháy do chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa, xây dựng các hạng mục này. Cùng với đó, một số chợ được xét đạt chuẩn theo quy định cũ nhưng theo quy định mới (Quyết định số 12151/QĐ-BCT) thì không đủ tiêu chuẩn và không được xét đạt chuẩn nữa. Bên cạnh đó, hiện nay trên cả nước có 1.287 xã chưa có chợ do nhu cầu thực tế chưa cần xây dưng chợ và không có chợ trong quy hoạch sẽ không xem xét tiêu chí số 7. Việc đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới dựa trên cơ sở xem xét, đánh giá các tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Phương hướng thực hiện năm 2016
Đối với 2 tiêu chí số 4 và số 7, năm 2016 tăng 692 xã đạt tiêu chí số 4, nâng số xã đạt tiêu chí số 4 đến năm 2016 lên 7.022 xã chiếm 78,3% so với tổng số xã cả nước; có thêm 576 xã đạt tiêu chí số 7, nâng số xã đạt tiêu chí chợ nông thôn đến năm 2016 lên 3.397 xã chiếm 37,9% so với tổng số xã cả nước. Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Ban Chỉ đạo Bộ Công thương đưa ra giải pháp và phương hướng thực hiện như sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các sở, ban, ngành đặc biệt là vai trò chủ động,tích cực của Sở Công Thương và Công ty Điện lực tại các địa phương trong việc tham mưu, xây dựng các văn bản cơ chế, chính sách thực hiện các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương (trong đó, xây dựng cơ chế để huy động, xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư thực hiện tiêu chí số 4 và tiêu chí số 7).
Hai là, hướng dẫn các Sở Công Thương, Công ty Điện lực tổ chức đánh giá tiêu chí 4 về điện nông thôn và tiêu chí 7 về chợ nông thôn đảm bảo chất lượng, dễ thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn đánh giá 2 tiêu chí trên của Bộ Công Thương trong các hội nghị về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân địa phương nâng cao nhận thức của người dân, để người dân hiểu được việc xây dựng nông thôn mới người dân là chủ thể, phục vụ lợi ích của chính người dân. Từ đó vận động, đóng góp của nhân dân tham gia công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất, góp phần đầu tư phát triển điện nông thôn, chợ nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới.
Bốn là, các địa phương tiếp tục triển khai hoàn thành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch điện, quy hoạch chợ cụ thể đến từng huyện, xã đảm bảo thống nhất với quy hoạch hệ thống điện và hệ thống thương mại của tỉnh, thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Năm là, các địa phương cần đa dạng cơ chế nguồn vốn đầu tư lưới điện nông thôn, chợ nông thôn; xem xét thực hiện cơ chế kế thừa và lồng ghép các chương trình hỗ trợ, các đề án triển khai ở nông thôn, khuyến khích các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương đến địa phương và huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân địa phương.
Sáu là, tập trung chỉ đạo xử lý các chợ, tụ điểm kinh doanh tự phát nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và tạo điều kiện cho chợ mới xây dựng hoạt động có hiệu quả.
Bảy là, các địa phương quan tâm triển khai các hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề ở nông thôn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
P. CNHT (ARID)