Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Bộ Công Thương (BCĐ) vừa kiểm tra tình hình thực hiện tiêu chí số 4 (điện nông thôn) và tiêu chí số 7 (chợ nông thôn) tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng. Trong 835 xã của 6 tỉnh, có 636/835 xã đạt tiêu chí số 4 chiếm 76,2% và 211/835 xã đạt tiêu chí số 7 chiếm 25,3%.


Kiểm tra tình hình thực hiện tiêu chí điện và chợ nông thôn - Những kết quả đạt được

Theo báo cáo của Sở Công Thương 6 tỉnh, vốn đầu tư cho điện nông thôn từ năm 2010 đến hết năm 2013 là 1.696,87 tỷ đồng. Hệ thống lưới điện ở các địa phương đa phần được chuyển giao cho ngành Điện quản lý bán điện trực tiếp, nên tạo được sự đầu tư thống nhất, khắc phục được những hạn chế như quy mô nhỏ, vốn ít, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Các Công ty điện lực tỉnh đã có kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện tiêu chí điện nông thôn, do vậy số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn khá cao so với các tiêu chí khác.


Tuy nhiên, công tác thực hiện tiêu chí số 4 còn gặp rất nhiều khó khăn: Hạ tầng lưới điện do được đầu tư từ lâu, đến nay đã xuống cấp nên việc đầu tư cải tạo cần chi phí cao và suất đầu tư lớn. Công tác lập và triển khai quy hoạch chưa được thực hiện đồng bộ. Một số tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận còn có huyện chưa có qui hoạch/kế hoạch chi tiết phát triển điện lực. Tình trạng hộ sử dụng điện không có đồng hồ điện kế chính mà thông qua những hộ có đồng hồ điện kế còn khá nhiều. Số hộ dân chưa có điện vẫn còn nhiều như ở Bình Thuận là 6.700 hộ; Yên Bái còn 175 thôn, bản chưa có điện. Một số khu vực miền núi như ở Lâm Đồng, dân di cư hình thành thôn, buôn mới với số hộ ít, từ 20 - 40 hộ/thôn, buôn, không có hộ khẩu,... nên rất khó khăn để cung cấp điện cho các hộ dân này. Công tác bàn giao điện nông thôn cho các đơn vị đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ điện tại một số xã còn gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn hoàn trả cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện tiêu chí.


Về thực hiện tiêu chí chợ nông thôn, 06 tỉnh đã có quy hoạch tổng thể về hệ thống thương mại trong toàn tỉnh. Tỉnh Tuyên Quang đã chủ động xây dựng cơ chế kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng chợ. Vốn đầu tư cho chợ nông thôn từ năm 2010 đến hết năm 2013 của 4 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Lâm Đồng là 154,988 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 65,162 tỷ đồng (đầu tư vào tỉnh Yên Bái, Khánh Hòa, Lâm Đồng), vốn ngân sách địa phương là 46,581 tỷ đồng (Yên Bái, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Lâm Đồng), vốn xã hội hóa là 43,245 tỷ đồng (Yên Bái, Tuyên Quang, Lâm Đồng). Trên địa bàn 06 tỉnh, mô hình tổ chức quản lý chợ chủ yếu là Ban quản lý chợ/Tổ quản lý chợ. Tại một số địa phương đã tiến hành chuyển giao cho doanh nghiệp hoặc thành lập hợp tác xã đứng ra quản ly. Như vậy sẽ chủ động hoàn toàn về tài chính đúng theo chủ trương của nhà nước, được nhà nước khuyến khích hỗ trợ nên hiệu quả hơn đồng thời cũng chuyên nghiệp hơn về cách thức tổ chức cũng như sử dụng nguồn nhân lực.


Tuy nhiên, cũng như tiêu chí điện, việc thực hiện tiêu chí chợ cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể: Diện tích chợ ở địa bàn nông thôn nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, tình trạng các hộ kinh doanh tại các chợ tự phát vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến số hộ tham gia kinh doanh tại các chợ theo quy hoạch. Việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng chợ chưa đồng bộ, triệt để; quá trình khảo sát địa điểm, mô hình thiết kế chợ nông thôn theo tiêu chí số 7 chưa phù hợp với thực tế tại địa phương, nhất là về quy mô chợ, từ đó dẫn đến tình trạng một số chợ được đầu tư xây dựng nhưng không đạt chuẩn hoặc hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng một số địa phương tiến hành sửa chữa, nâng cấp, xây mới các chợ không thông qua Sở Công Thương cũng gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch và kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả của các chợ.


Một số mô hình tiên tiến


Ở Tuyên Quang, trước đây hệ thống đường dây điện hạ áp do người dân đầu tư, khi có chủ trương bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý, người dân đã bàn giao mà không lấy tiền hoàn trả từ ngành điện, chính vì vậy, đến năm 2009 tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn. Tỉnh Bình Thuận có diện tích trồng thanh long trên 21.000 ha, người dân đã tự đầu tư đường dây, hệ thống điện để phục vụ sản xuất, lượng đầu tư này là rất lớn lên đến cả nghìn tỷ đồng. Ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, chính quyền địa phương đã phối hợp hiệu quả với ngành điện, vận động người dân hiến đất giải phóng mặt bằng hành lang tuyến điện chống quá tải, hiện nay đây là xã đã đạt chuẩn tiêu chí số 4 về điện nông thôn.


Về chợ nông thôn, nổi bật có tỉnh Tuyên Quang có 4 doanh nghiệp kinh doanh, quản lý 4 chợ và 7 hợp tác xã kinh doanh quản lý 7 chợ hoạt động có hiệu quả. Tỉnh Tuyên Quang cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ 500 triệu đồng/chợ xây mới để đạt chuẩn nhằm khuyến khích xã hội hóa trong thực hiện tiêu chí chợ nông thôn.


Kế hoạch, giải pháp thực hiện đến năm 2015


Qua kiểm tra tình hình thực hiện tiêu chí điện và chợ nông thôn, BCĐ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM Bộ Công Thương đã đánh giá cao những kết quả 06 tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, để đạt được mục tiêu, kế hoạch đến năm 2015, BCĐ cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là vai trò chủ động tích cực của Sở Công Thương và ngành điện các địa phương đối với thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thấy rõ trách nhiệm và lợi ích của Chương trình, người dân là chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới và cũng chính là người được thụ hưởng những thành quả của Chương trình, từ đó người dân có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện các tiêu chí. Bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện, hướng dẫn đánh giá, xét công nhận tiêu chí điện nông thôn và tiêu chí chợ nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Các Sở Công Thương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống thương mại; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống điện trên địa bàn tỉnh, thành phố và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lập quy hoạch, kế hoạch chi tiết phát triển điện lực trên địa bàn cấp huyện, cấp xã đảm bảo phù hợp với quy hoạch điện lực cấp tỉnh và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình để đầu tư hệ thống điện, chợ nông thôn. Tập trung chỉ đạo, triển khai đúng tiến độ, phát huy hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển điện nông thôn, chợ nông thôn đã được phê duyệt. Tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư thực hiện cho các xã gần đạt tiêu chí 4 và 7 trong năm 2014, năm 2015 để hoàn thành các tiêu chí này. Quan tâm đầu tư phát triển điện cho các khu vực vùng lõm, các cụm dân cư bức xúc về điện; triển khai thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản đồng bào chưa có điện giai đoạn 2012 – 2020 và các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang thực hiện tại các địa phương. Các địa phương quan tâm bố trí quỹ đất để phát triển, mở rộng, nâng cấp chợ nông thôn, phát triển chợ đầu mối tiêu thụ nông thủy sản. Nhân rộng các mô hình quản lý chợ hiệu quả và quan tâm triển khai các hoạt động như xây dựng đề án hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề ở nông thôn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.


P.CNHT (ARID)