Quả là một sự trở lại có ý nghĩa! 57 năm trước, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 21/SL ngày 14/5/1951 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương, tháng 11/1951- trên cơ sở tờ tin Mặt trận Kinh tế -Tập san Công Thương cũng được xuất bản và phát hành số đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc. Người phụ trách Tập san là Đổng lý sự vụ của Bộ - Đoàn Trọng Truyến- sau này trở thành Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng.
Trong lịch sử Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhất là báo chí của các bộ, ngành... Báo Công Thương ra đời sớm nhất! Sự phát triển của Báo Công Thương qua các năm, tháng đều gắn với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền bảo đảm ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế ở từng giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Sau “... Chín năm làm một Điện Biên- Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng...”, đến tháng 9 năm 1955, Bộ Công Thương được tách ra làm hai Bộ Thương nghiệp và Công nghiệp... Ít lâu sau, Tập san Công Thương cũng chuyển thành Báo Thương nghiệp - cơ quan của Bộ Thương nghiệp. Cái tên Thương nghiệp cứ thế phát triển, từ một tháng phát hành 2 kỳ lên 3 kỳ rồi hàng tuần vào năm 1971...
Ít có một tờ báo kinh tế đã để lại những dấu ấn trong lòng bạn đọc những năm tháng miền vừa Bắc đánh Mỹ và xây dựng XHCN vừa là hậu phương chi viện cho miền Nam. Phóng viên Báo Thương nghiệp khi đó đã có không ít những chuyến đạp xe đi cả ngàn ki-lô-mét đến các cửa hàng HTX mua bán, các cửa hàng phục vụ ăn uống ở vùng tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh... Một trong những chuyến đi vào tuyến lửa như thế, phóng viên Giang Lam đã viết bài thơ Nổi lửa lên em - Bài thơ được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc và trở thành bài hát sống mãi với thời gian...
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, các phóng viên Báo Thương nghiệp cũng sớm có mặt ở TP. Sài gòn và các tỉnh cực Nam của đất nước để có các tin, bài về củng cố, xây dựng mạng lưới thương nghiệp XHCN, các điểm nóng cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh cũng như các hoạt động vận chuyển, lưu thông, hàng hóa từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Cùng với Báo Thương nghiệp, những năm đầu của thập niên 70 thế kỷ XX, Báo Ngoại thương (sau là Báo Kinh tế đối ngoại), Báo Vật tư của hai Bộ Ngoại thương, Vật tư cũng được thành lập. Và như tên măng sét, hai tờ báo có tôn chỉ mục đích là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các đối tượng bạn đọc là các cán bộ, nhân viên, doanh nghiệp ngành Ngoại thương - Kinh tế đối ngoại và Vật tư của đất nước thống nhất.
Cả nước bước vào những năm đầu của công cuộc đổi mới, giữa năm 1990, các Bộ Nội thương, Kinh tế đối ngoại, Vật tư hợp nhất thành Bộ Thương nghiệp (sau là Bộ Thương mại) và tháng 7/1990, ba tờ báo ngành cũng được hợp nhất và đổi tên là Báo Thương mại...
Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX là giai đoạn báo chí cả nước có những bước đột phá, phát triển mới. Bên cạnh việc nhiều tờ báo tăng kỳ, tăng trang xuất bản, xuất hiện thêm nhiều ấn phẩm báo chí mới của các bộ, ngành, đoàn thể để đáp ứng nhu cầu về thông tin của xã hội. Giữa năm 1996, Báo Công nghiệp Việt Nam - Cơ quan của Bộ Công nghiệp - được thành lập trong bối cảnh đó.
Những năm cuối thập niên 90 và thập niên đầu của thế kỷ XXI, Báo Thương mại, Báo Công nghiệp Việt Nam đã đồng hành phát triển và để lại những ấn tượng sâu đậm bởi các nội dung, đề tài viết về công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cũng như hội nhập kinh tế thế giới. Các chủ đề thời sự đó, Báo Thương mại, Báo Công nghiệp Việt Nam đã được Hội Báo Xuân toàn quốc tổ chức 5 năm một lần trao giải A vào các năm 2000, 2005 về nội dung và trình bày trang bìa... Báo Thương mại và Công nghiệp trở thành diễn đàn để các đồng chí Lãnh đạo Bộ chuyển tải một cách nhanh nhất các bài viết sống động chỉ đạo, định hướng các hoạt động của ngành.
Là cơ quan ngôn luận của hai Bộ kinh tế mũi nhọn của đất nước, Báo Thương mại cũng như Báo Công nghiệp luôn nhận được những lời động viên, khích lệ từ các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ...
Ghi nhận những thành tích xuất sắc... đóng góp vào sự nghiệp phát triển của ngành cũng như sự nghiệp phát triển Báo chí cả nước, Báo Thương mại đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, Báo Công nghiệp Việt Nam cũng được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì...
Hợp nhất, số cán bộ, phóng viên của Báo Công Thương tăng lên gấp đôi với gần 140 người. Điều đáng ghi nhận đầu tiên của cơ quan ngôn luận Bộ kinh tế đa ngành là đã đoàn kết, sớm ổn định bộ máy các phòng, ban... Chính sự đoàn kết và đồng thuận cao mà Báo Công Thương đã tiếp tục phát huy được truyền thống và thế mạnh riêng, được khẳng định từ hai tờ báo Thương mại và Công nghiệp. Tin, bài về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, giá cả thị trường của Chính phủ, các chủ đề về công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế... vẫn là nội dung chủ đạo của từng số Báo Công Thương, đặc biệt là Báo Công Thương điện tử, thông tin được cập nhật dày đặc mỗi ngày.
Báo Công Thương là một trong số ít báo kinh tế liên tục có tác phẩm được trao giải tại các Lễ trao Giải Báo chí quốc gia hàng năm, từ năm 2007 đến 2010. Tại Hội Báo Xuân toàn quốc năm 2010, nội dung và trang bìa của Báo được Ban Tổ chức trao giải cao. Gian trưng bày nhiều ấn phẩm báo Xuân ngành Công Thương, do Báo Công Thương thực hiện cũng được trao giải chính thức với sự khích lệ của các đồng chí Đinh Thế Huynh, Nguyễn Bắc Son và Lê Doãn Hợp... khi đến thăm Gian trưng bày báo.
Ngoài ấn phẩm chính, sau khi hợp nhất Báo Công Thương tiếp tục duy trì và xuất bản có hiệu quả các ấn phẩm mang tính chuyên đề và trở thành một trong những tờ báo có nhiều chuyên đề, đặc san nhất trong làng báo chí Việt Nam. Mỗi chuyên đề, đặc san của Báo Công Thương đều có những nét đặc sắc và dấu ấn riêng đối với các đối tượng bạn đọc. Có thể điểm qua một số chuyên đề, đặc san:
- Chuyên đề Công Thương Miền núi cấp không thu tiền theo Quyết định 975/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Gắn với nội dung tin, bài thực hiện chuyên đề mang tính xã hội rất có ý nghĩa, nhiều năm qua Báo Công Thương đã trao 15 xuất học bổng, mỗi xuất 5 triệu đồng cho các em học sinh dân tộc thiểu số học giỏi, thi đỗ điểm cao vào các trường Đại học, Cao đẳng. Ngoài ra là nhiều máy tính, đồ dùng học tập trị giá hàng chục triệu đồng cho các trường học sinh nội trú ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Tân Kỳ (Nghệ An), các trường bị ảnh hưởng lũ lụt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh. Tham gia chương trình tặng quà “Trái tim nhân ái” tại Thái Bình...
- Khác với Chuyên đề Công Thương Miền núi, Chuyên đề Mua&bán được xuất bản và phát hành hàng ngày với số lượng lớn tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chuyên đề Mua & bán đã trở thành “món ăn” thông tin không thể thiếu vào mỗi buổi sáng đối với đủ các đối tượng bạn đọc,từ công chức nhà nước, học sinh, sinh viên đến người buôn bán cần có các thông tin về giá cả, việc làm...
- Đặc san Bếp Gia đình phát hành 2 kỳ/tháng, hướng đến đối tượng là những người nội trợ, những người thích khám phá ẩm thực và yêu thích các món ngon mới lạ. Được xếp là Tạp chí ẩm thực có số lượng phát hành số 1 tại Việt Nam, hiện Bếp Gia đình xuất hiện ở vị trí như cái tên của nó tại hàng vạn hộ gia đình...
- Nếu Mua&bán, Bếp Gia đình có đối tượng bạn đọc cụ thể thì các Chuyên đề Vốn & Đầu tư, Chuyên đề Thông tin Công nghiệp & Thương mại... lại nhằm đến cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tìm được từ các chuyên đề này thông tin về thị trường, giá cả về các địa chỉ hữu ích cho hoạt động đầu tư và xúc tiến thương mại.
Là cơ quan ngôn luận của Bộ kinh tế, qua từng thời kỳ, Báo Công Thương luôn xác định đối tượng bạn đọc chủ yếu của mình là cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp và thương mại - chủ thể hàng năm đã đóng góp trên 60% cho tăng trưởng GDP của cả nước. Không chỉ làm tốt vài trò cầu nối thông tin giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng... Báo còn đặc biệt coi trọng phát hiện, cổ vũ biểu dương các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vượt lên những khó khăn và có tăng trưởng cao trong sản xuất, kinh doanh hàng năm thông qua các cuộc hội thảo hoặc tổ chức bình chọn, trao giải.
Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nhập, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước phải chấp nhận cạnh tranh và thực hiện luật chơi của thế giới. Báo Công Thương đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao Tổ chức bình chọn và Trao giải “Thương mại Dịch vụ Việt Nam - Top Trade Services Awards” cho các doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc, tiêu biểu hoạt động trên 11 lĩnh vực thương mại, dịch vụ mà Việt Nam cam kết thực hiện sau khi gia nhập WTO.
Lễ trao giải nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành... Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội - Nguyễn Thị Kim Ngân (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội), đã đến dự và trao Cup cho các doanh nghiệp, doanh nhân xuất sắc, tiêu biểu các năm 2007, 2008, 2009, 2010.
60 năm phát triển, Báo Công Thương vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Đây là phần thưởng lớn, thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với cơ quan ngôn luận của Bộ kinh tế đa ngành. Vinh dự này có sự chỉ đạo, chăm chút của Lãnh đạo Bộ Công Thương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các cơ quan báo chí qua các thời kỳ... Có sự đóng góp về sức lực, trí tuệ của các thế hệ làm báo từ buổi ban đầu là Tập san Công thương ra đời ở chiến khu Việt Bắc đến các Báo Thương nghiệp, Ngoại thương, Vật tư rồi Thương mại, Công nghiệp và Công Thương hiện nay…
Vinh dự bao giờ cũng gắn liền với trách nhiệm! Báo Công Thương sẽ khắc phục những hạn chế, luôn cải tiến và đổi mới về nội dung, hình thức các ấn phẩm để tiếp tục phát triển và đi lên, hòa với dòng chảy cạnh tranh về thông tin của Báo chí Cách mạng Việt Nam hiện nay!
Công Thương điện tử