Đây là những tinh hoa được chắt lọc từ những khối óc, bàn tay khéo léo, cần mẫn của người lao động; là niềm tự hào của CNNT và cũng là một trong những động lực dựng xây nông thôn mới.
Sản phẩm tiêu biểu: Lợi ích mọi đường
Mục đích của việc bình chọn là nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước để có kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT. Để khuyến khích những cơ sở có sản phẩm đạt tiêu chí CNNT tiêu biểu, bên cạnh việc tặng thưởng bằng tiền mặt, sản phẩm được công nhận còn được in hoặc dán nhãn logo của Chương trình bình chọn SPCNNTTB, được ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để phát triển sản phẩm; được tư vấn, tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư khác của Nhà nước cho đầu tư phát triển SPCNNTTB theo quy định. Đồng thời, được đăng tải thông tin giới thiệu về sản phẩm trên các phương tiện thông tin ở địa phương và Trung ương (tùy thuộc từng cấp đạt SPCNNTTB); được trưng bày, triển lãm, thông tin tuyên truyền để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở vùng miền khác biết đến sản phẩm của mình. Từ đó, đơn vị sản xuất có cơ hội giới thiệu trực tiếp về sản phẩm của mình cũng như người tiêu dùng tìm hiểu cụ thể sản phẩm.
Đơn cử, trong thời gian diễn ra sự kiện bình chọn SPCNNTTB cấp khu vực thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa cơ sở sản xuất hàng CNNT với hệ thống các nhà phân phối sản phẩm, hàng hóa trên cả nước. Thông qua hội nghị, các cơ sở sản xuất và nhà phân phối đã gặp gỡ, trao đổi, thông tin cho nhau về hàng hóa, sản phẩm và các yêu cầu, đòi hỏi của thị trường cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm CNNT. Nhờ đó, nhiều SPCNNTTB đã được các đơn vị phân phối lớn trong nước ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, cơ sở sản xuất.
Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn SPCNNTTB năm 2016 ở cả 3 khu vực phía Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và phía Nam, các sản phẩm tham gia bình chọn đều là những đại diện tiêu biểu của sản xuất CNNT của mỗi địa phương; thể hiện được đặc trưng, thế mạnh của mỗi vùng, miền. Sản phẩm ngày càng mang tính hàng hóa, dần đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, để chuẩn bị tham gia chương trình bình chọn, các cơ sở sản xuất CNNT đã quan tâm đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; chú trọng đồng bộ các khâu sản xuất, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói và đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm… Đây là cơ hội phát triển sản xuất với khối lượng hàng hóa lớn, tăng năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Để được vinh danh, mỗi sản phẩm đều phải sàng lọc qua cấp huyện, đến tỉnh, tới khu vực để được lựa chọn giới thiệu lên cấp quốc gia. Đây cũng là dịp để mỗi vùng miền phô diễn, khai thác thế mạnh của mình, là sự động viên, khuyến khích kịp thời để các cơ sở CNNT tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất góp phần xây dựng nông thôn ngày càng phát triển. Mỗi sản phẩm thực sự là một khám phá về sự phong phú, bền đẹp, giá cạnh tranh, thân thiện với môi trường… minh chứng hàng Việt đang gồng mình trước cuộc chơi mới.
Nâng cao hiệu quả chương trình: Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Lợi ích rất rõ ràng, tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở, doanh nghiệp tỏ ra không mấy mặn mà. Đơn cử, cuộc bình chọn SPCNNTTB khu vực phía Bắc năm 2016 tổ chức tại Ninh Bình chỉ có 18/28 tỉnh, thành phố trong khu vực với 114 bộ hồ sơ đăng ký tham gia bình chọn cho thấy sự quan tâm đối với công tác bình chọn SPCNNTTB chưa toàn diện và triệt để. Công tác hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị hồ sơ để đăng ký chưa thật chu đáo và tuân thủ đúng, đủ các quy định hướng dẫn làm ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch đối với công tác bình chọn sản phẩm cấp khu vực; chưa phản ánh đúng thực tế tiềm năng, thế mạnh về nguồn sản phẩm CN-TTCN; mẫu mã, hình thức sản phẩm chưa đa dạng, chưa có sự cải tiến; một số sản phẩm vẫn áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất thủ công, kém năng suất, chất lượng còn hạn chế… Thậm chí, có một số địa phương chưa lần nào đăng ký tham gia bình chọn như: Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa.
Tìm hiểu về nguyên nhân của sự kém nhiệt tình này, một số cơ sở, doanh nghiệp đã tham gia bình chọn phản ánh, ngoài phần thưởng được trao tặng tại cuộc bình chọn, được đăng tải thông tin trên website của Cục công nghiệp địa phương và sở Công Thương địa phương, doanh nghiệp hầu như không nhận tiếp được sự hỗ trợ nào. Trong khi, để có một sản phẩm đáp ứng tiêu chí: “Tính mới, có giá trị cao, có khả năng sản xuất quy mô công nghiệp” là không hề dễ dàng. Nghệ nhân Trần Đức Tân - Hợp tác xã Tân Thịnh, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội – cho biết, sau nhiều năm thử nghiệm, sản phẩm gốm mạ kim loại được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, công nghệ mạ kim loại trên gốm đòi hỏi mức đầu tư tới 2 tỷ đồng là quá sức so với cơ sở. Đó là chưa kể, thời gian bình chọn 2 năm tổ chức một lần, thời gian công nhận sản phẩm tiêu biểu cũng chỉ có từ 2 đến gần 3 năm. Như vậy là quá ngắn, doanh nghiệp không có nhiều thời gian khuyếch trương thương hiệu, phát triển sản xuất và thương mại. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ dài hơi để quảng bá rộng rãi sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng doanh thu. Muốn thế, cần phải có sự chung tay vào cuộc, tận tình với cơ sở, hợp sức để đưa hoạt động bình chọn SP CNNTTB thành chương trình bài bản, được cả cộng đồng quan tâm, phát triển. Mặc dù kinh phí khuyến công đang là nguồn lực chính của chương trình, song cần huy động tiềm năng của các địa phương, hiệp hội và từng cơ sở. Phối hợp nhịp nhàng giữa Khuyến công với Xúc tiến thương mại để SPCNNTTB có cơ hội vươn xa.
Theo nhiều chuyên gia, để tăng sức hấp dẫn và phát huy hiệu quả cho chương trình, bên cạnh việc hỗ trợ các chương trình tư vấn, đào tạo, thiết kế, kỹ thuật… còn cần kết nối các chương trình hỗ trợ như khuyến công, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… nhằm tập trung nguồn lực, tập trung đối tượng hỗ trợ, tránh tình trạng các chương trình độc lập như hiện nay. Doanh nghiệp cũng cần xác định rõ mục tiêu của chương trình để đầu tư khâu thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới. Cần xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể, hiệu quả và thiết thực đối với các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận như: Được ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và các nguồn kinh phí địa phương để đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị, xúc tiến thương mại, đào tạo lao động,…
Theo Cục CNĐP, các địa phương cần quan tâm đến công tác bình chọn SPCNNTTB; coi đây là một trong những nội dung chính trong nhiệm vụ công tác của địa phương và của hoạt động khuyến công. Các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công chủ động tham mưu, đề xuất Hội đồng bình chọn các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức bình chọn SPCNNTTB sao cho thực sự hiệu quả và thiết thực. Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bình chọn SPCNNTTB cần được phản ánh kịp thời để cùng có những giải pháp tháo gỡ, sửa đổi phù hợp.
Ngọc Loan