Từ hiệu quả của việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các địa phương đã chú trọng đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm này, qua đó đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tại tỉnh Đồng Tháp, trong giai đoạn 2012 - 2021, có 317 sản phẩm công nghiệp nông thôn được công nhận tiêu biểu cấp huyện, 189 sản phẩm được công nhận tiêu biểu cấp tỉnh, 38 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 14 sản phẩm tiêu biểu cấp Quốc gia, tập trung vào lĩnh vực chế biến thực phẩm, cơ khí - chế tạo, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Nhiều địa phương đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Thời gian qua, Sở Công thương đã quan tâm, ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm tiêu biểu nhằm thúc đẩy phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ 69 cơ sở có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp với 58 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tổng kinh phí hỗ trợ trên 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở phối hợp cùng các ngành liên quan thành lập Trung tâm giới thiệu, trưng bày đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội; hình thành điểm trưng bày, giới thiệu đặc sản Đồng Tháp tại TP. Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm.

Tỉnh cũng tổ chức nhiều đợt tham gia hội chợ về công nghiệp - thương mại, hội chợ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho các cơ sở này; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các đợt kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố lớn...

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt công tác tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn hằng năm; ưu tiên từ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ cho phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; tích cực hỗ trợ các cơ sở tham gia hội chợ triển lãm để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giao thương…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tư vấn đến các cơ sở công nghiệp nông thôn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu thông qua kết nối giữa cơ sở sản xuất với các kênh tiêu thụ tại các hội nghị, hội chợ, hội thảo… bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; kết nối kênh tiêu thụ tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh, phía Bắc; kết nối các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như Co.opmart, Big C, Go!, VinMart… cũng như tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lớn đủ khả năng dẫn dắt ngành hàng chủ lực…

Tổ chức hội chợ, triển lãm, kết nối cung - cầu

Tại tỉnh Cà Mau, qua 5 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã công nhận 73 sản phẩm đạt cấp tỉnh, 19 sản phẩm cấp khu vực, 11 sản phẩm cấp Quốc gia. Các sản phẩm này từng bước khẳng định được chất lượng, mẫu mã, thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao nhận thức, tạo động lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ mới, thay đổi quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Để hoạt động khuyến công, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tổ chức tốt công tác bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia bình chọn cấp khu vực, cấp Quốc gia đạt kết quả cao; tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách, đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm tiêu biểu để phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng đến phát triển bền vững.

Đồng thời, tỉnh sẽ kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương. “Đây là cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia kết nối thị trường, liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện quảng bá phát triển thương hiệu, mở đại lý phân phối tại các tỉnh, thành phố trong cả nước”, đại diện Sở Công thương Cà Mau chia sẻ.

Nâng cao nhận thức về công tác bình chọn

Sở Công thương Hà Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2022 - 2030 có 73 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, 63 sản phẩm cấp tỉnh, trong đó năm 2022 có 12 sản phẩm cấp huyện và 10 sản phẩm cấp tỉnh.

Tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác bình chọn, như: đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và vận động tại cơ sở để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về công tác bình chọn; tiến hành công tác tập huấn cho các địa phương, cơ sở nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, mục đích, ý nghĩa công tác bình chọn để cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn biết, hiểu và tích cực tham gia.

Bên cạnh công tác bình chọn, tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, như: hướng dẫn và nâng cao nhận thức về đăng ký và bảo vệ thương hiệu, xây dựng mẫu, kiểu dáng công nghiệp, công bố quản lý chất lượng sản phẩm; cải tiến và thay đổi mẫu mã sản phẩm; thực hiện xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Song song với đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có chính sách thỏa đáng để thu hút nhân tài, người có tay nghề cao, nghệ nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực chế biến, công nghiệp nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo để đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực cho phát triển. Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động của địa phương.

 

nguồn: daibieunhandan.vn