Theo quy định của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước 100% địa bàn thuộc khu vực nông thôn và 99% doanh nghiệp là cơ sở CNNT. Giai đoạn 2011-2015, tổng sản phẩm ngành công nghiệp chiếm từ 22% - 26% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%, giá trị sản xuất CNNT tăng bình quân 16,36%, chiếm khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp. Do đó hỗ trợ phát triển CNNT có ý nghĩa rất quan trọng:
- Về kinh tế: Phát triển công nghiệp đặc biệt là CNNT đã góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển và tăng trưởng theo hướng bền vững. Giá trị sản xuất công nghiệp đặc biệt là CNNT năm sau luôn cao hơn năm trước góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo nguồn cung hàng hóa cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát triển CNNT đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp của tỉnh, đó là phát triển công nghiệp chế biến với các sản phẩm từ cây công nghiệp, như cao su, điều…; số lượng hàng hóa sản xuất ra ngày càng nhiều, phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, được khách hàng và người tiêu dùng chấp nhận, một số mặt hàng đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và ngoài nước. Một số sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn được đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu chế biến sâu. Bên cạnh đó phát triển CNNT góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng hiệu quả hơn. Tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh và ổn định, góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Mặt khác phát triển CNNT đã góp phần phát huy tối đa nội lực của tỉnh, hướng tới xây dựng nền công nghiệp theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá trước hết là công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, góp phần vào mục tiêu chung của cả nước, sớm đưa Bình Phước cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp.
- Về văn hóa – xã hội: Phát triển CNNT đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế theo hướng tăng dần lao động công nghiệp và dịch vụ, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó phát triển CNNT góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Khôi phục một số ngành nghề, hình thành một số ngành, nghề mới, đưa văn hóa xã hội, công nghệ thông tin về vùng sâu vùng xa góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
- Tuy nhiên các cơ sở CNNT tỉnh Bình Phước còn nhiều khó khăn, thách thức như: Năng lực quản lý còn hạn chế; tiềm lực tài chính phục vụ cho phát triển, mở rộng sản xuất còn ít; máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất chậm đổi mới; thiếu thông tin về thị trường; nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất còn thiếu, chất lượng lao động chưa cao; nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chưa ổn định; môi trường kinh doanh của doanh nghiệp còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, số lượng cơ sở CNNT xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng còn ít, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong CNNT còn hạn chế; các Hợp tác xã công nghiệp và làng nghề chưa được hình thành; các huyện, thị xã chưa có mạng lưới khuyến công viên; hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của các cơ sở CNNT; vấn đề ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là ô nhiễm không khí và nước...
- Nhận thức được tiềm năng, thế mạnh cũng như những hạn chế trong việc phát triển công nghiệp nông thôn, Trung tâm đã sử dụng nguồn kinh phí khuyến công để hỗ trợ phát triển CNNT bao gồm cả nguồn kinh phí khuyến công địa phương và khuyến công quốc gia. Riêng giai đoạn 2012-2015 tổng kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 3.671 triệu đồng (năm 2012: 800 triệu đồng; năm 2013: 765 triệu đồng; năm 2014: 1.046 triệu đồng; năm 2015: 1.150 triệu đồng) tập trung chủ yếu vào lĩnh vực hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại trong ngành chế biến điều xuất khẩu và đào tạo nghề chế biến điều, chế biến gỗ.
- Mức hỗ trợ mới theo Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18/02/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương thì mức hỗ trợ đã được nâng lên cao hơn so với mức hỗ trợ trước đây theo Thông tư liên tịch số 125/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương về việc quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với Chương trình khuyến công. Trung bình mỗi đề án kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở CNNT khoảng trên 40% tổng kinh phí đầu tư mua máy móc, thiết bị. Mức hỗ trợ tăng lên đã phần nào khuyến khích cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào chế biến hạt điều xuất khẩu, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh nhằm gắn sản xuất thân thiện với môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Đồng thời, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới hiện nay. Góp phần vào mục tiêu công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua. Năm 2016, Trung tâm Khuyến và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước đã xây dựng hoàn thành 13 đề án khuyến công quốc gia trình Sở Công Thương thẩm định, trình Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương phê duyệt với tổng kinh phí là: 3.925 triệu đồng, tập trung chủ yếu vào các ngành nghề ngành nghề thế mạnh của tỉnh như: Chế biến điều, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất gạch không nung./.
Đỗ Viết Giang - TTKC Bình Phước