Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong giai đoạn 2008 - 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn về điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội, tỉnh Hà Giang đã vượt qua những thách thức, đề ra chiến lược phát triển phù hợp, giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, cụ thể:

Công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đi vào chiều sâu, từ đó đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Với nhiều hình thức tuyên truyền nên chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được triển khai và tích cực hưởng ứng của các tổ chức, cơ sở và nhân dân địa phương. 

Ngành Nông nghiệp của tỉnh Hà Giang phát triển khá toàn diện đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức cao là 5%/năm, vượt mục tiêu của Nghị quyết đề ra, tạo nguồn thu nhập nâng cao dần đời sống vật chất cho nông dân (năm 2008 là 2,4 triệu đồng/năm, năm 2017 tăng lên 11,17 triệu đồng/năm, gấp 4,67 lần so với năm 2008, cao hơn mục tiêu của Nghị quyết là gấp 2,5 lần so với năm 2008). Nông thôn đã khởi sắc, quy hoạch cơ bản đầy đủ và đồng bộ, nhất là quy hoạch xây dựng nông thôn mới, kinh tế tăng trưởng tốt, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, hạ tầng kinh tế, xã hội, môi trường được cải thiện góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn Tỉnh.

 Trong công tác phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, tỉnh Hà Giang đã triển khai hỗ trợ các đề án khuyến công (trong giai đoạn từ 2008 - 2017 tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ là 19.444 triệu đồng cho 213 đề án); phát triển cụm công nghiệp thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; quan tâm triển khai đầu tư hệ thống cấp điện cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên phối hợp tổ chức các phiên chợ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, miền núi nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đồng thời là cơ hội cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân tại các vùng miền núi, nông thôn;...

Hiện toàn tỉnh Hà Giang mới có 23/177 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 13%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Nghị quyết đề ra). Trong đó, đối với 2 tiêu chí do Bộ Công Thương được giao chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện: Số xã đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn là 68/177 xã, chiếm tỷ lệ 38,41%; Số xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn là: 73/177 xã, chiếm tỷ lệ 41,24%.

Việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, tỉnh Hà Giang có 124/177 xã có chợ; 4 xã có chi nhánh ngân hàng thương mại; 1 xã có quỹ tín dụng. Toàn Tỉnh hiện có 588 hợp tác xã, có 303 hợp tác xã nông nghiệp, 66 hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 46 hợp tác xã giao thông vận tải; 84 hợp tác xã thương mại dịch vụ và 21 loại hình hợp tác xã khác...
Là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, việc triển khai sản xuất, ổn định đời sống nhân dân rất khó khăn, tuy nhiên, tỉnh  Hà Giang đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện công tác đào tạo giúp lao động nông thôn tiếp cận dần được với những tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất, giúp nâng cao giá trị sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Với những nỗ lực, cố gắng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, tỉnh Hà Giang đã dần thay đổi bộ mặt nông thôn. Để tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, cần tiếp tục có chính sách ưu tiên phát triển nguồn lực đối với vùng khó khăn; có sự phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc phát triển ngành nghề, thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp, nông thôn; phát huy tiềm năng thế mạnh của Tỉnh về thủy điện, khoáng sản, du lịch, …


TBT