Cùng với nhiều Chương trình mục tiêu quốc gia khác, hoạt động khuyến công ở Thái Nguyên đã đi được chặng đường dài, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng những kết quả đạt được trong những năm qua của khuyến công Thái Nguyên đã khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp CNH-HĐH công nghiệp nông thôn của tỉnh.

 

Quyết tâm đưa chính sách khuyến công vào cuộc sống


Cũng như các Chương trình mục tiêu quốc gia khác như: Chương trình MTQG về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Xây dựng nông thôn mới, sản xuất sạch hơn, thì chính sách về hoạt động khuyến công khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT) theo Nghị định 134/2004/NĐ-CP và nay là Nghị định 45/2012/NĐ-CP có những khó khăn nhất định. Thực tế, sau gần 10 năm triển khai hoạt động khuyến công, bên cạnh những thuận lợi là nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành trên địa bàn thì Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Trung tâm) gặp nhiều khó khăn khi đưa những nội dung cụ thể của Chương trình khuyến công vào cuộc sống.


Trước hết, việc đưa chương trình khuyến công đến với các cơ sở, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những ngày đầu là một thử thách lớn đối với đội ngũ CBNV Trung tâm. Bởi vì, khi đó, hoạt động khuyến công còn mới mẻ, nên công tác tuyên truyền về hoạt động khuyến công chưa sâu rộng đến các thành phần kinh tế, nhận thức của người dân cũng như một số ngành liên quan còn hạn chế. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai thực hiện công tác khuyến công, do đó kết quả đạt được còn hạn chế. Đa số các cơ sở sản xuất CNNT qui mô rất nhỏ, thiếu vốn đầu tư, hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ. Các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương chưa khẳng định vị thế trên thị trường... Bên cạnh đó, mức hỗ trợ xây dựng đề án về đào tạo nghề cho người lao động cũng như hỗ trợ mô hình trình diễn cho các doanh nghiệp còn thấp nên dẫn đến việc vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các đối tượng lao động tham gia các hoạt động khuyến công gặp nhiều khó khăn... 


Đối mặt với không ít khó khăn là vậy nhưng CBNV của Trung tâm coi đó như một động lực để vượt qua. Với quyết tâm khơi thông được hoạt động khuyến công về làng, bản, Trung tâm xác định là phải làm thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng về vai trò cũng như tầm quan trọng của chương trình khuyến công. Bằng những hoạt động như hội thảo, hội nghị tuyên truyền về mục tiêu khuyến khích phát triển CNNT mọi tầng lớp trong cộng đồng đã dần hiểu được vai trò của hoạt động khuyến công... Qua đó, tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, sự ủng hộ của các doanh nghiệp CNNT, các cơ sở làng nghề đối với hoạt động khuyến công. 


Khẳng định bằng những hoạt động cụ thể


Được sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo của Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương và Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, hoạt động khuyến công trên địa bàn ngày càng phát triển và đạt hiệu quả, thực sự là nguồn động viên, khuyến khích các cơ sở CNNT trên địa bàn mở rộng sản xuất, đổi mới dây chuyền công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Đồng thời nâng cao tay nghề cho công nhân, do đó mà năng suất và chất lượng sản phẩm đã đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng... Điều quan trọng hơn và là nguồn động viên cho CBNV Trung tâm đó là chính sách khuyến công (Nghị định số 134/2004/NĐ-CP đến nay là Nghị định 45/2012/NĐ-CP) đã tạo được niềm tin của các cơ sở CNNT đối với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước.


 Trong suốt chặng đường gần 10 năm qua, hoạt động khuyến công đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển CNNT ở Thái Nguyên. Nếu như năm 2005-2007, Trung tâm mới chỉ triển khai được 29 đề án và tập trung vào công tác đào tạo nghề, tuyên truyền và hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật, đến năm 2008-2009, Trung tâm đã triển khai được 53 đề án, các đề án triển khai toàn diện và mang lại hiệu quả hơn như: Hỗ trợ chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; Hỗ trợ chương trình xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; Chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế, phát triển cụm điểm công nghiệp... Và đến giai đoạn 2013-2015, Trung tâm đã thực hiện 87 đề án, với tổng kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở CNNT lên đến gần 15 tỷ đồng, đặc biệt, Trung tâm kêu gọi nguồn vốn do cơ sở đầu tư vào các đề án lên tới gần 66 tỷ đồng... Những nỗ lực của hoạt động khuyến công đã góp phần tăng giá trị sản xuất CNNT giai đoạn 2010-2015 từ 14% đến 20%.


Tiếp tục nhân rộng những mô hình điểm


Để hoạt động khuyến công thực sự trở thành nguồn động lực thúc đẩy CNNT phát triển trong nền kinh tế hội nhập, Trung tâm khuyến công Thái Nguyên tiếp tục xây dựng nhiều đề án mang tính chiến lược như: Đề án về chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống; Hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề và cơ sở ngành nghề nông thôn; cơ khí phục vụ nông nghiệp nông thôn; khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến lâm sản... Đồng thời bám sát nội dung Quyết định số 1288/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020. Bởi đây là cơ sở quan trọng để tổ chức, triển khai mạnh mẽ các hoạt động khuyến công trên cả nước. Và theo đó, trong những năm tới, khuyến công Thái Nguyên đưa ra mục tiêu phát triển ngành nghề thủ công phải gắn với phát triển nông nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động khuyến công luôn gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ, góp phần tăng giá trị của các loại nông, lâm sản. Phát triển phải trên cơ sở phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn phục vụ xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, thu hút nhiều lao động và sử dụng lao động giản đơn nhằm góp phần thực hiện thắng lợi chương trình “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.  Các đề án đều tập trung phát triển những ngành nghề có lợi thế so sánh, kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ tiên tiến. Đầu tư nâng cao chất lượng phát triển các mặt hàng phù hợp với nhu cầu thị hiếu của thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm CNNT. Kết hợp hài hòa nhiều qui mô, nhiều loại hình tổ chức và sở hữu trong phát triển tiểu thủ công nghiệp. Phát triển ngành công nghiệp để gắn kết với qui hoạch phát triển ngành kinh tế - xã hội nói chung và phải nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội ở nông thôn.


Theo ông Phan Bá Trường – Phó Giám đốc sở Công Thương Thái Nguyên, cùng với việc xây dựng đề án bám sát với thực tiễn của từng địa phương, Trung tâm tiếp tục nhân rộng những mô hình, đề án có tính hiệu quả cao nhằm góp phần ổn định sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cũng như tính cạnh tranh của sản phẩm CNNT trên địa bàn tỉnh.


Gần 10 năm qua, hoạt động khuyến công ở Thái Nguyên có ý nghĩa vô cùng to lớn, không những làm cho hệ thống các ngành, các cấp chuyển biến nhanh về nhận thức phát triển CNNT mà còn khơi dậy phát huy lợi thế tiềm năng của từng khu vực nông thôn  góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển, đóng góp không nhỏ vào ngân sách của địa phương.

 

ARID