Được thành lập từ 2005, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) là huyện miền núi thuần nông, điểm xuất phát kinh tế rất thấp, nguồn vốn đầu tư cho phát triển còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.


Hàng năm, nền kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng với tốc độ khá. Tổng sản phẩm GDP bình quân tăng 13,2%; trong đó nông-lâm - ngư nghiệp tăng 7,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,33% và dịch vụ tăng 17.28%. Huyện đã tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của địa phương, phát triển nhanh và mạnh công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhất là sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ…tạo giá trị sản phẩm hàng hóa cao. Tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 24.9 %, vượt so với kế hoạch đề ra là 23,90 %.


Các sản phẩm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp chủ yếu của Hàm Tân phát triển nhanh là gạch nung, từ vài lò gạch thủ công nhỏ lẻ, sản lượng khoảng 15 triệu viên/năm, đến nay trên địa bàn huyện đã có hàng chục cơ sở sản xuất gạch nung. Năm 2010, sản lượng gạch nung các loại dự kiến đạt 90 triệu viên, tăng gần gấp 6 lần những năm trước. Điều đáng nói, là việc đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất gạch nung để đạt năng suất cao, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt… đang được các doanh nghiệp quan tâm, nhiều chủ doanh nghiệp đã chuyển đổi từ lò thủ công sang sản xuất gạch nung Tuy nel với công suất 220 triệu viên/ năm, hiện đã có 4/5 nhà máy đã đi vào hoạt động và 12 cơ sở khác đang đầu tư cải tiến công nghệ để bảo bệ môi trường và đạt năng suất cao. Khai thác đá xây dựng cũng đang phát triển mạnh, sản lượng năm 2010 ước đạt 200 triệu tấn đá các loại, tăng gần gấp đôi những năm trước. Bên cạnh đó, với sản lượng mía hàng năm thu hoạch trên dưới 120.000 tấn mía, nhiều nhất cả tỉnh, Hàm Tân đã hình thành 3 làng nghề sản xuất mía đường tại xã Tân Phúc, Tân Đức và thị trấn Tân Minh hàng năm chế biến, cung cấp cho thị trường khoảng gần 4.000 tấn đường mật các loại, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động nông thôn.


Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa bàn Hàm Tân những năm gần đây không chỉ là những sản phẩm truyền thống như: đá xây dựng, gạch nung, mật đường… Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, Hàm Tân đang khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Trước mắt đến 2015, huyện tập trung hình thành ổn định diện tích vùng chuyên canh khoảng 3.000 ha mía, 6.000 ha cây cao su và khoảng 4.000 ha điều, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Hiện nay, nhiều sản phẩm lợi thế của Hàm Tân đã và đang trên đà phát triển như: Chế biến mủ cao su từ 83 tấn (năm 2006) dự kiến cuối năm 2010 sản lượng mủ tăng lên khoảng hơn 2.000 tấn; sản lượng mì củ và cây có bột khác hàng năm khoảng hơn 220 ngàn tấn, là nguồn nguyên liệu khá dồi dào phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn và nhiều loại sản phẩm khác như may mặc, sản xuất đá cây, đan mây tre… đã xuất hiện trên thị trường và đang có xu hướng phát triển mạnh.


Thực tế cho thấy giá trị sản xuất công nghiệp của Hàm Tân liên tục tăng trưởng khá, từ 43 tỷ năm 2005, đến năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 71 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với những năm trước đó. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 dự án sản xuất công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư; 3 làng nghề chế biến mía đường và 1 làng nghề đan lát thủ công được công nhận và 4/5 cơ sở sản xuất gạch Tuy nel, 1/12 cơ sở sản xuất gạch Hoffman đã đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp Sơn Mỹ, Tân Đức diện tích hàng ngàn ha đã được Chính phủ đưa vào danh mục quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên toàn quốc đến năm 2015. Các cụm công nghiệp Nghĩa Hòa, Thắng Hải, gạch ngói Sông Phan …trên địa bàn huyện cũng đã được rà soát, điều chỉnh quy hoạch từ 50 đến 90 ha. Ông Trương Tấn Hùng, Trưởng Ban Quản lý các cụm CN-TTCN của huyện cho biết: các ngành chức năng đang đẩy nhanh tiến hành kiểm kê, áp giá đền bù, rà phá bom mìn giải phóng mặt bằng, giao đất và đôn đốc nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đã được cấp phép đầu tư. Huyện đang huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng - dịch vụ. Tương lai không xa, khi kênh tiếp nước Biển Lạc-Hàm Tân, hệ thống thủy lợi hồ Sông Dinh 3, đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Quốc lộ 55, ĐT 720... và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện hình thành nối với vùng các kinh tế trọng điểm, sẽ mở ra triển vọng mới để Hàm Tân khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động và lợi thế tự nhiên... tạo bước đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững theo hướng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông, lâm, ngư nghiệp.


Gắn phát triển công nghiệp với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, trước mắt đến năm 2015, huyện Hàm Tân phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 170 tỷ đồng, tăng hơn gấp 2 lần so với hiện nay./.
 


Tấn Hùng