Giải quyết những thách thức, khó khăn cho xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong năm 2009 và những năm tiếp theo, tỉnh Bình Thuận đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trước mắt cần phối hợp đầu tư đồng bộ của nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp và người sản xuất. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu khai thác, thu mua tạo nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm và duy trì các thị trường truyền thống. Tỉnh cũng lưu ý các ngành, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh trong nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng trong sản xuất hàng nông sản. Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ và nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất và bảo quản sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
          Hai tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận ước đạt gần 17,5 triệu USD, đạt 10,28% kế hoạch cả năm và tăng 10,86% so với cùng kỳ năm 2008. Ngoài nhóm hàng may mặc và hàng hóa khác tăng gần 58,6%, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm lợi thế của địa phương như: hàng nông sản giảm gần 17% và hàng hải sản giảm hơn 2% so với cùng kỳ.
          Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản Bình Thuận cho biết: qua tiếp cận thị trường, giá nhiều mặt hàng hải sản xuất khẩu giảm từ 18-25%, có mặt hàng giảm giá 30-40% và số lượng hàng nhập khẩu cũng giảm hơn so với năm trước. Trong khi đó, do thiếu nguồn nguyên liệu, nên các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu trên địa bàn phải nhập khẩu thêm từ bên ngòai, giá nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng giá thành sản phẩm, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh ... đang là một thách thức cho các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu. 
           Bên cạnh xuất khẩu hải sản, các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ở Bình Thuận cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về nguồn điện phục vụ sản xuất thanh long trái vụ đang thiếu; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thanh long giữa các doanh nghiệp và nhà sản xuất còn hạn chế; việc chiếu xạ, gia nhiệt, xử lý kỹ thuật để trái thanh long Bình Thuận vươn xa vào thị trường các nước và khu vực đang là một rào cản không nhỏ, làm hạn chế việc xuất khẩu thanh long, một mặt hàng lợi thế của địa phương./. 
                                                Tấn Hùng